Đà Nẵng tính bỏ cây keo trồng cây gỗ lớn để ngăn sạt lở

(PLO)- Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng sẽ tham mưu chuyển đổi một số diện tích rừng keo sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở khi mưa lớn.

Chiều 9-11, ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo TP đã giao cho đơn vị rà soát nghiên cứu, tham mưu TP việc chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa.

Theo ông Dũng, toàn TP Đà Nẵng có hơn 10.000 ha rừng keo do người dân trồng trên đất rừng sản xuất. Việc trồng keo tiếp nối qua nhiều năm, nhưng trận mưa lụt lịch sử ngày 14-10 vừa qua đã phơi bày những hạn chế khi trồng cây keo tràn lan trên các sườn núi.

Sạt lở nghiêm trọng trên rừng keo ở nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: TẤN VIỆT

Tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), điểm sạt lở ngày 14-10 được xác định xuất phát từ khu vực trồng keo. Tại đây, người dân tạo một số đường mòn để dễ dàng khai thác keo.

Ông Dũng cho hay, riêng khu vực xung quanh nghĩa trang Hòa Sơn có khoảng 100 ha rừng keo. Vị trí sạt lở có diện tích hơn 2,2 ha đã cuốn trôi hơn 6.000 m3 đất đá xuống bên dưới làm vùi lấp hơn 600 ngôi mộ.

“Cây keo trồng lên cứ 4-5 năm thu hoạch một lần, khả năng giữ nước, chống xói mòn đất rất kém. Sau khi TP hoàn thành quy hoạch ba loại rừng, đơn vị sẽ tham mưu theo hướng giao cho người dân tự chuyển đổi cây trồng, hoặc nhà nước hỗ trợ thu hồi rồi mình tự trồng để quản lý”, ông Dũng cho hay.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho hay, huyện sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất phương án trồng rừng bền vững nhằm chống xói mòn tại khu vực nghĩa trang Hòa Sơn.

Theo ông Tôn, huyện sẽ đề xuất TP điều chỉnh quy hoạch khu vực xung quanh nghĩa trang Hòa Sơn từ đất rừng sản xuất sang rừng phòng hộ.

Tại buổi kiểm tra công tác khắc phục sạt lở ở nghĩa trang Hòa Sơn mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng nhận định nguyên nhân gây sạt lở một phần là do các rừng keo tại đây.

Cụ thể là lượng mưa quá lớn, liên tục khiến nước từ đỉnh núi tràn về các đường mòn do người dân khai phá, tạo thành dòng nước siết cuốn trôi đất đá. Do đó, ông Quảng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét việc chuyển đổi rừng keo thành rừng phòng hộ.

Trong buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng ngày 19-10 liên quan công tác khắc phục hậu quả mưa lụt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý TP cần tính toán chuyển từ việc cho người dân trồng cây keo lá tràm, vài năm thu hoạch một lần qua trồng cây gỗ lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới