Trận ngập lịch sử phơi bày hệ lụy quy hoạch 'treo' ở Đà Nẵng

(PLO)- Hàng ngàn ngôi nhà xuống cấp, không được sửa chữa vì vướng quy hoạch trong các dự án trên địa bàn quận Liên Chiểu đã ngập sâu trong trận lụt lịch sử vừa qua khiến người dân lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thế Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), cho hay toàn địa bàn quận hiện có 175 dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó có khoảng 60 dự án đang triển khai. “Quận kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ các dự án để ổn định đời sống của người dân” - ông Nhân nói.

Gần 20 năm không thể sửa nhà

Trận ngập lịch sử do ảnh hưởng của bão số 5 đã qua hơn chục ngày nhưng trong căn nhà cấp 4 rộng 70 m2 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), vợ chồng ông Nguyễn Thiện Sinh và bà Trần Thị Nữ vẫn hiện rõ nét bàng hoàng trên khuôn mặt. Qua cơn lũ dữ, gia đình chín người của ông Sinh gần như không còn tài sản gì, bởi hầu hết đồ đạc đều bị hư hỏng. Trong đêm 14-10, cháu ông Sinh mới hai tháng tuổi được mẹ bồng bế băng qua nước thoát thân, để lại căn nhà chìm sâu dưới mực nước hơn 2 m.

Đồ đạc bị hư hỏng, chất ngổn ngang trong căn nhà cấp 4 của ông Sinh và bà Nữ. Ảnh: TẤN VIỆT

Đồ đạc bị hư hỏng, chất ngổn ngang trong căn nhà cấp 4 của ông Sinh và bà Nữ.
Ảnh: TẤN VIỆT

Là tổ trưởng tổ dân phố 36, ông Sinh bức xúc: “Cả tổ chúng tôi có khoảng 220 hộ dân, kể cả tạm trú, hầu hết là nhà cấp 4. Hết dự án ga đường sắt quy hoạch từ năm 2004 lại đến dự án đường vành đai phía tây 2. Năm 2020 có cán bộ về kiểm kê nhưng đến nay không thấy gì nữa. Gần 20 năm chúng tôi gửi đơn kêu cứu khắp nơi, xin được sửa nhà nhưng đều bị gạt. Nhiều nhà muốn rao bán cũng không ai dám mua”.

Tại tổ 129 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, gia đình ba thế hệ của ông Huỳnh Kim Hiến cũng trong cảnh tương tự. Căn nhà ọp ẹp của ông Hiến nằm trên quy hoạch đường sắt mới, đến đầu năm 2021 lại được kiểm kê cho dự án đường vành đai phía tây 2.

“Xin sửa nhà hay xin tách thửa đều không được. Vừa rồi nước ngập gần 2 m, bao nhiêu vật dụng bị hư hỏng hết, cả nhà cùng trú trên gác xép. Giờ chúng tôi chỉ muốn biết là các dự án đó có triển khai nữa không hay lại tiếp tục chờ mòn mỏi” - ông Hiến bày tỏ.

Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho hay quy định pháp luật là nhà cửa trong vùng quy hoạch không được phép sửa chữa, cơi nới. Dự án đường vành đai phía tây 2 công bố quy hoạch từ năm 2018, đến năm 2020 địa phương bắt đầu kiểm kê nhà cửa của người dân. Địa bàn phường Hòa Minh có khoảng 300 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án này.

“Trước mắt, trong khi chờ dự án, phường kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, phải xem xét cho những nhà xuống cấp nghiêm trọng được sửa chữa, có sự chứng kiến của chính quyền và người dân cam kết thực hiện một số nội dung như không cơi nới, tăng diện tích. Như vậy mới đảm bảo an toàn đời sống của người dân” - ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, trận ngập vừa qua khiến bốn nhà trên địa bàn bị sập một phần. Phường đã mời các ban ngành của quận xuống thẩm định thực tế, đề xuất cho chủ hộ được sửa nhà đảm bảo kết cấu an toàn.

Hệ lụy quá lớn, người dân thiệt thòi lắm

Năm 2018, TP thanh tra dự án ga đường sắt, kết luận có 1.799 nhà trái phép, kỷ luật hơn 20 cán bộ. Những nhà này tồn tại nhiều năm, bản chất là nhà trái phép nhưng người dân vẫn đang ở trong đó. Theo quy định, nhà xây trái phép không được bồi thường, không được bố trí tái định cư, chỉ được bồi thường vật kiến trúc. Nguy cơ sau giải tỏa người dân mất hết, không còn chỗ ở. Tôi kiến nghị nếu không được bồi thường, bố trí tái định cư thì bố trí chung cư cho người dân. Hệ lụy từ dự án này quá lớn, người dân thiệt thòi lắm.

Ông THÂN ĐỨC MINH, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam

Một phường 25 dự án, hơn 5.000 hộ bị ảnh hưởng

Trao đổi với PV, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho hay diện tích của phường rộng 10,2 km2 nhưng có đến 25 dự án đã và đang triển khai.

Theo ông Minh, trong đồ án quy hoạch chung TP Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt mới không còn nằm trên địa bàn phường nữa mà chuyển lên huyện Hòa Vang. Phường đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và 100% đồng ý bỏ quy hoạch. Hiện Sở Xây dựng đang trình TP có quyết định hủy bỏ dự án ga đường sắt. Phường kiến nghị sau khi hủy bỏ dự án, TP sớm chỉnh trang lại đô thị khu vực này để người dân ổn định cuộc sống.

Ông Lê Thế Nhân cho hay: Bỏ quy hoạch ga đường sắt phải song hành với việc nghiên cứu một dự án khác mang tính đồng bộ, tổng thể. “Giờ mong muốn có nhà đầu tư tham gia chỉnh trang đô thị nhưng còn phụ thuộc vào quy hoạch phân khu đang điều chỉnh. Còn dự án đường vành đai phía tây 2 đang phụ thuộc vào nguồn vốn của TP, hiện chưa có kế hoạch giải tỏa tiếp theo” - ông Nhân nói.

Được biết tại quyết định do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký cuối tháng 3-2022, dự án đường vành đai phía tây 2 phải hoàn thành đoạn tuyến từ đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao đường tránh nam Hải Vân. Dự án này dài 15 km, có vốn đầu tư phê duyệt ban đầu là 87 tỉ đồng, sau đó đội vốn lên 1.800 tỉ đồng do chi phí giải phóng mặt bằng tăng. Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng đã đề xuất TP điều chỉnh hướng tuyến của dự án để tận dụng khai thác chung hạ tầng giao thông hiện hữu và giảm kinh phí bồi thường.•

Bốn người tử vong, tài sản chìm trong nước

Mưa lũ tối 14-10 vừa qua ngoài việc nhận chìm tài sản, nhà cửa của người dân còn làm nhiều gia đình mất mát người thân. Có bốn nạn nhân được ghi nhận đã tử vong ngay trong mưa lũ cạnh nhà mình tại phường Hòa Minh, phường Hòa Khánh Nam. Trong đó, một gia đình ở phường Hòa Khánh Nam có hai cha con mất vì ngập lũ, không kịp thoát thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm