Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày hai lần, sáng từ 5 giờ đến 9 giờ và chiều từ 16 giờ đến khoảng 20 giờ, triều cường dâng cao, nước sông Hậu tràn lên gây ngập trên diện rộng khu vực đô thị TP Cần Thơ.
Học sinh được nghỉ học
Nhiều tuyến đường bị ngập hoàn toàn, giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, ngập sâu nhất là tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, nút giao giữa đường Mậu Thân và đường Nguyễn Văn Cừ, nút giao đường Nguyễn Văn Cừ và đường Cách Mạng Tháng Tám. Nước tràn vào nhà dân, hàng quán, công ty... khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
Anh Bé Năm (ngụ phường Long Tuyền, khu vực Bình Phó B, quận Bình Thủy) cho biết cả tuần nay gia đình anh không thể làm được việc gì vì triều cường gây ngập hết. Gần 10 công dưa hấu trồng để chuẩn bị cho bán tết của nhà anh đã bị nhấn chìm.
Còn tại hồ Bún Xáng, đây là công trình đang được triển khai xây dựng với mục tiêu khi hoàn thành sẽ giúp cải thiện vệ sinh môi trường, tăng lưu lượng dự trữ nước, điều tiết nước lưu vực quanh hồ và góp phần cho công tác chống ngập khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, triều cường dâng cao những ngày qua khiến toàn bộ công trình gần như bị nhấn chìm trong nước.
Ngày 30-9, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh trên địa bàn TP, sở đề nghị các phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình địa phương chủ động cho học sinh tại các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi triều cường được nghỉ học ngày 1-10. Đồng thời, có kế hoạch bố trí cho học sinh học bù vào thời điểm phù hợp.
Tại khu vực IC3, cầu vượt Hưng Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) từng dòng xe nối đuôi nhau vượt nước, giao thông hỗn loạn. Ảnh: CHÂU ANH
Triều cường diễn biến “đặc biệt”
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, nguyên nhân gây ngập trên địa bàn thời gian qua là do cao độ hiện trạng đô thị thấp (trung bình khoảng 1,2-1,8 m) vì vậy khi triều cường dâng cao (> 2 m) thì rất nhiều khu vực, tuyến đường bị ngập. Bên cạnh đó, mưa lớn xảy ra nhiều, bất thường hơn qua các năm, vượt cường độ thiết kế hệ thống thoát nước hiện hữu.
Ngoài ra, do mưa lớn, lũ và triều cường đồng thời xuất hiện làm nước trong đô thị không thể thoát ra hệ thống kênh rạch xung quanh. Song song đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, hệ thống thoát nước đầu tư không theo kịp. Một số mương, kênh rạch thoát nước bị lấp, lấn chiếm tại các khu dân cư và khu đô thị mới làm hạn chế, giảm, tắc dòng chảy thoát nước. Để có giải pháp tổng thể về chống ngập và thoát nước thải, TP đã tập trung chỉ đạo và dành rất nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng và thực hiện các giải pháp chống ngập theo các đồ án quy hoạch đề ra.
Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 30-9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, hạ lưu đang lên theo triều. Mực nước cao nhất sáng 30-9, trên sông Tiền tại Mỹ Thuận 2,11 m trên báo động (BĐ) ba 0,31 m (vượt lịch sử năm 2018 là 0,04 m), trên sông Hậu tại Cần Thơ 2,25 m trên BĐ ba 0,35 m (vượt mức lịch sử năm 2018 là 0,02 m). Dự báo 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, hạ lưu dao động ở trên mức BĐ ba 0,15-0,35 m, sau đó xuống. |
Ông Kỹ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhận định tình hình triều cường năm nay rất đặc biệt. Cụ thể ở vùng thượng nguồn tới đầu tháng 9 mới bắt đầu mưa, đến giữa tháng đi từ mực nước thấp nhất lịch sử đến mực nước cao nhất và đến cuối tháng thì mực nước thấp nhất trở lại. Đỉnh lũ trên sông Mekong (ở khu vực Bắc Xế) khi xuống hạ lưu và gặp ngay cơn triều cường khá mạnh nên làm cho mực nước sông Hậu dâng lên bất ngờ.
Theo ông Vinh, có nhiều nguyên nhân khiến triều cường, ngập lụt như hiện nay như lún đất, nước biển dâng và đặc biệt là biến đổi khí hậu. “Tốc độ sụt lún đất hiện nay thay đổi rất nhanh, vì thế ngay từ bây giờ Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung cần có những hoạt động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu trước khi quá muộn” - ông Vinh nói.
Đồng thời, với những dữ kiện này, ông Vinh cảnh báo nếu không có mưa trái mùa thì ĐBSCL sẽ phải gánh chịu đợt hạn hán khốc liệt vào năm 2020, tương đương hoặc hơn so với đợt hạn hán năm 2016.
TP.HCM: Triều cường dâng cao, ngập nhiều nơi ở quận 8 Sáng 30-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã đến hiện trường sự cố sạt lở bờ bao trên đường Mễ Cốc, phường 15, quận 8 để chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục thiệt hại, đồng thời lên phương án phòng ngừa cho đợt triều cường trong chiều tối ngày 30-9 và những ngày tới. Ông Nguyễn Mai Trung, Chủ tịch UBND phường 15, quận 8, cho biết phường đang phối hợp với đơn vị thi công tổ chức đắp đê ngăn triều cường. Trước mắt sẽ giải quyết tạm thời tình trạng ngập nước trong khu vực. Sau đó phía địa phương sẽ cùng họp bàn hướng xử lý triệt để.
Ghi nhận của PV, lúc 17 giờ ngày 30-9, triều cường trên kênh Lò Gốm tiếp tục dâng cao khiến nhiều khu vực phường 15, quận 8 chìm trong biển nước. Triều cường dâng cao, nước kênh Lò Gốm tràn ra đường, chảy qua các con hẻm, tràn vào nhà dân. Theo quan sát của PV trên tuyến đường Mễ Cốc nước “lũ” đã dâng cao hơn 0,5 m. Tại đây, lực lượng chức năng sử dụng máy bơm hút nước và hàng ngàn bao cát củng cố bờ đê ngăn dòng “lũ” tràn. Nhiều xe lưu thông qua đoạn đường này bị chết máy, té. Lực lượng thanh niên xung phong đã được phân công hỗ trợ người dân gặp sự cố. Đến 18 giờ cùng ngày, mực nước vẫn tiếp tục dâng cao, phương tiện chết máy nhiều không kể xiết. Ngoài ra, một số nơi tại Nhà Bè cũng bị ngập sâu. Chị Đào Thị Trà, người dân ở Nhà Bè, cho biết: “Năm nay, người dân ở Phú Xuân đã tiến hành nâng hẻm. Đáng lý sẽ không ngập nữa, ai dè vẫn bị ngập sâu. Ai đi xe đạp thì phải dắt bộ và cũng có nhiều xe bị chết máy. Thậm chí triều cường tràn lên tận nhà khiến nhiều hộ dân phải di chuyển đồ đạc để tránh hư hỏng”. T.TRINH - H.XUÂN - Đ.TRANG - T.SANG |