Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 18-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Văn phòng UBND khẩn trương đề xuất biện pháp chống dịch cho giai đoạn tới theo 3 phương án.
Một là trên cơ sơ sở Quyết định 2985, tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động. Hai là nếu qua một thời gian không có ca cộng đồng thì chuyển sang tạm dừng một số hoạt động như karaoke, massage, vũ trường…. Các hoạt động không cấm thì được phép hoạt động.
Phương án cuối cùng là sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ trắng để cho người dân đảm bảo các điều kiện tham gia các hoạt động cần thiết.
Về việc đón học sinh, giáo viên đang mắt kẹt ở các địa phương khác về TP, theo thống kê có khoảng 14.000 người. Nhiều người phản ánh gặp khó khăn khi không thuê được phương tiện về, nếu có thì chi phí quá cao.
Với số lượng đông như vậy thì việc đưa đón sẽ có nhiều phức tạp. Do đó có ý kiến cho rằng TP nên nghiên cứu phương án đón tập trung đối với những người khó khăn và thực sự có nhu cầu trở về TP.
Ông Chinh nhìn nhận những kiến nghị này là xác đáng và ngành giáo dục cũng đã lên phương án cho việc này. Phương tiện phù hợp nhất là tàu hỏa vì ô tô không vận chuyển được nhiều người. Tuy nhiên phương án này phù hợp với việc đón người ở phía bắc còn các tỉnh, thành phía nam thì khó khăn hơn do dịch bệnh đang phức tạp.
Lãnh đạo TP yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể, tính toán phương tiện di chuyển, cách ly hợp lý để đảm bảo phòng, chống dịch.
Số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng liên tục giảm trong những ngày qua. Ảnh: TA
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, hôm nay TP không ghi nhận ca mắc mới sau 70 ngày, không có ca tử vong, 129 bệnh nhân khỏi bệnh, số người đang điều trị giảm xuống còn 3 con số. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP sau những ngày đồng lòng, chung sức chống dịch.
Tuy nhiên những con số này chưa bền vững, bởi vẫn còn nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng và xâm nhập từ bên ngoài vào TP. Đặc biệt là xuất hiện tâm lý "xả hơi" sau một thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.
“Dù đạt được kết quả nhất định nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lúc này càng phải quyết tâm thực hiện các biện pháp đề ra. Vì phấn đấu đạt được kết quả như vậy đã khó, giữ được càng khó hơn”- ông Quảng nhấn mạnh.
Bí thư đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát các khu dân cư, từ các nơi làm việc, các cơ sở sản xuất, địa điểm mua bán lương thực, thực phẩm… để đảm bảo người ra đường đúng đối tượng và thực hiện nghiêm 5K.
Cạnh đó, đẩy nhanh xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về kiểm soát dịch. Sở Y tế và Sở TT&TT tập trung triển khai ứng dụng về việc tiêm chủng. Hiện nay tốc độ tiêm vaccine của TP đạt trên dưới 50.000 người/ngày nên việc cập nhật để quản lý người tiêm chủng là rất quan trọng.
Kết quả xét nghiệm cũng cần được sử dụng hiệu quả trong việc kiểm soát người dân đi lại.
“Nếu tới đây chúng ta triển khai việc hoàn thiện và thí điểm áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng thì sẽ có nhiều giá trị. Nếu kết quả xét nghiệm của một người trong ngày được đưa lên app, khi sử dụng sẽ thể hiện ngay người này tiêm bao nhiêu mũi, xét nghiệm lúc nào. Có thể dùng app này để lưu thông, thậm chí thay cho giấy đi đường” – ông Quảng nói và đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TT&TT sớm đưa việc này vào thí điểm.
Ông cũng yêu cầu Sở Y tế cung cấp số liệu F0 khỏi bệnh, coi đây như là điều kiện tương ứng với việc tiêm 2 mũi vaccine để đưa vào cơ sở dữ liệu xây dựng thẻ xanh.
Ngành y tế sớm chuẩn bị quy trình kiểm soát dịch ở doanh nghiệp, xây dựng tiêu chí doanh nghiệp xanh để tiến tới xây dựng thẻ xanh cho các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí phòng, chống dịch.