Đà Nẵng xác xơ sau bão

Với mức độ tàn phá còn lớn hơn siêu bão Xangsane năm 2006, cơn bão số 11 đã để lại một khung cảnh hoang tàn cho TP Đà Nẵng. Chỉ trong vài tiếng, hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Đêm không ngủ ở tâm bão

Trong mưa bão, nhiều cây cổ thụ bị gió “bứng” cả gốc, nằm ngả nghiêng. Cây xanh, bảng quảng cáo gãy đổ la liệt; gạch ngói, mái tôn bay tứ tung. Vì quá xót ruột, nhiều người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (vùng tâm bão đi qua) rời nơi trú ẩn để quay lại nhà lấy thêm đồ đạc. “Tài sản, vốn liếng của hai vợ chồng dành dụm bao năm nay, nếu không cứu kịp thì bão cuốn hết, lấy gì mà sống” - anh Nguyễn Len buồn bã nói.

Từ 3 giờ sáng, gió càng tăng mạnh, gầm rít nghe lạnh người. Tại Trường Trung cấp xây dựng Miền Trung, hàng trăm người dân phường Hòa Hiệp Nam nằm co rúm thành từng nhóm dưới sàn nhà, không ai dám chợp mắt. Từ tầng hai của trường, chúng tôi thấy các lớp tôn bọc sắt ở khu nhà liền kề (khu tái định cư làng Vân) liên tục bị hất tung lên trời. “Nếu cứ quần thêm vài tiếng nữa, chắc TP này chẳng còn gì” - ông Nguyễn Văn Nở (người dân làng Vân) than thở.

Đà Nẵng xác xơ sau bão ảnh 1

Cảnh đổ nát trên đường phố Đà Nẵng sáng 15-10. Ảnh: TẤN TÀI

Chỉ còn lại cảnh hoang tàn

Trời hửng sáng, chúng tôi rời tâm bão và theo tuyến đường từ nam chân đèo Hải Vân ngược vào trung tâm TP. Lúc này trời vẫn còn mưa kèm theo gió lớn giật cấp 9, cấp 10. Đó đây là khung cảnh hoang tàn, hàng trăm cây xanh, trụ điện đổ ngả nghiêng. Các biển hiệu quảng cáo lớn ven đường bị gió xô ngã, nằm chỏng chơ. Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ. Trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), một ngôi nhà ba tầng đang xây dựng dở dang cũng bị gió thổi bay mái, toàn bộ tầng ba bị nghiêng.

Do cây đổ quá nhiều, hàng loạt tuyến đường chính như Hùng Vương, Trần Phú, Trần Quý Cáp… bị ách tắc. Các lực lượng chức năng phải xẻ cây, di dời các khối gỗ lớn chắn ngang để tạm thông đường. Tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua TP cũng bị ách tắc vì bị cây đổ, nhà sập nằm chắn ngang trên các đường ray.

Anh Nguyễn Văn Ký (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) buồn bã: “Các cơn bão khác thường lướt qua rất nhanh nhưng bão số 11 kỳ quái quá, cứ quần miết không chịu đi. Nhà cửa không chịu nổi sức gió lớn khủng khiếp vậy được nên đổ như rạ. Nhà hàng của tôi vừa mới làm xong cũng bị quật sập luôn. Thấy TP tan hoang mà đau xót”.

Anh Hồ Văn Dũng (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cũng chưa hết bàng hoàng: “Bão xé từng miếng tôn trên mái nhà tôi như xé giấy rồi ném vèo vèo. Lũ nhỏ khóc ré lên vì sợ. Đúng là một đêm kinh hoàng, suýt chết trong gang tấc”.

Đà Nẵng xác xơ sau bão ảnh 2

Nhà của anh Nguyễn Văn Ký (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bị sập hoàn toàn. Ảnh: LÊ PHI

Lại nỗi lo thủy điện xả lũ

Quảng Nam cũng phải hứng chịu những hậu quả rất nặng nề. Riêng thôn Quảng Gia (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đã có hàng trăm căn nhà bị tốc mái, dân phải dựng lều ở tạm. Chị Nguyễn Thị Mai (thôn Quảng Gia) nghẹn ngào: “Gia đình tích cóp được ít tiền, vừa dựng xong nhà giờ bị bão cướp mất rồi. Đồ dùng cũng bị gạch đá vùi lấp hết. Hai vợ chồng lại tay trắng, sao khổ đến thế này không biết”.

Thấy chị Mai khóc, người chồng cũng rơi nước mắt: “Tôi đã cẩn thận néo buộc nhà cửa. Đến khuya, thấy nhà không chịu nổi gió lớn, tôi đưa vợ con chạy sang nhà kế bên trú bão. Tới 3 giờ sáng thì thấy nhà mình sập ngay trước mắt mà chẳng làm chi được. Mái tôn bị gió cuốn như chiếc lá, ném xa hơn 100 m. Sau đó thì ngôi nhà chúng tôi trú tạm cũng bị gió cuốn bay mái tôn. Mọi người lại nháo nhào chạy”.

Còn tại huyện Đại Lộc, hàng ngàn căn nhà ven sông Vu Gia chìm nghỉm trong nước lũ. Qua điện thoại, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã lên mức báo động III, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

“Nước lên rất nhanh do các thủy điện ở thượng lưu đang xả lũ. Thủy điện A Vương xả 1.000-1.200 m3, thủy điện Đắk Mi 4 xả 2.000 m3 để chuẩn bị đón lũ. Chúng tôi đã phải sơ tán gần 3.000 người dân, nếu nước tiếp tục lên trong ngày và đêm hôm nay, chúng tôi phải sơ tán hơn 10.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm” - ông Tính lo lắng.

Chiều 15-10, tỉnh Quảng Nam đã có ít nhất ba người chết, hai người mất tích. Hơn 6.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, hơn 100.000 ha cây trồng bị gãy ngã, 50 tàu thuyền bị chìm. Tỉnh Quảng Nam đã sơ tán hơn 30.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có hai người bị nước biển cuốn trôi. Hơn 600 ngôi nhà bị tốc mái, 160 ha cây cao su bị gãy đổ. Quảng Ngãi cũng có 180 ngôi nhà bị tốc mái. Các tuyến đường giao thông lên miền núi sạt lở nặng, hai huyện Trà Bồng và Tây Trà bị cô lập hoàn toàn.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), toàn bộ Đà Nẵng, Quảng Nam bị mất điện do bão. Theo EVN, bão số 11 gây ra sự cố cho đường dây 500 kV, đoạn Nho Quan - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Dốc Sỏi - Pleiku làm mất liên kết hệ thống. Sự cố này khiến hơn 10 nhà máy thủy điện khu vực miền Trung (Bản Vẽ, A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh…) phải ngừng hoạt động khẩn cấp và làm mất điện nhiều nơi ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Đến chiều 15-10, đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum ngập sâu khoảng 1 mét trong nước lũ. Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum, đã có 16 căn nhà, hai phòng học và một nhà Văn hóa cộng đồng bị tốc mái.

TẤN TÀI - LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm