Đà Nẵng: Xin tăng thêm 100 bàn đánh bạc

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng trong sáng 30-7.

Thêm 3.000 tỉ đồng từ đánh bạc

Tại cuộc làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay kể từ năm 2003, Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã cho phép Đà Nẵng được thành lập khu vui chơi có thưởng Silver Shores.

Nhưng hiện nay khu vui chơi này chỉ mới được có tám bàn chia bài với lượng khách nước ngoài chơi rất đông. Bây giờ không còn chỗ để chơi nữa nên nhiều người phải qua Malaysia chơi.

“Cả 5-7 năm nay rồi TP kiên trì theo đuổi, kể cả tập thể Ban Thường vụ và lãnh đạo TP đã làm việc với Chính phủ xin tăng bàn chia bài. Việc xin tăng này được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đồng ý hết rồi nhưng lên Chính phủ thì yêu cầu dừng lại. Chính phủ đưa ra mức trần đầu tư phải 2-4 tỉ USD, nhưng đây là cơ sở cũ vì người ta thành lập rất là lâu rồi. Người ta cam đoan là nếu cho họ tăng lên 80-100 bàn thì người ta sẽ nộp thuế một năm cho TP là 3.000 tỉ đồng”, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiến nghị tăng thêm 100 bàn đánh bạc. Ảnh: LÊ PHI

Về tăng bàn đánh bạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay vừa qua Chính phủ cũng có họp về các dự án chơi có thưởng.

“Hiện nay Chính phủ đang xây dựng nghị định về chơi có thưởng. Những cơ sở hiện nay đang có rồi thì cho tiếp tục làm. Còn việc mở rộng hay không thì chưa xét. Giao cho Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) được thực hiện nhưng chưa có chủ trương mở rộng ra các nơi khác”, Phó Thủ tướng thông tin.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính tính toán về người chơi thì chỉ cho người nước ngoài hay cho thêm cả người Việt Nam. Riêng đề xuất của Đà Nẵng thì sẽ được xem xét sau khi có nghị định của Chính phủ.

Thu hút đầu tư quá thấp

Về thu hút đầu tư, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thừa nhận việc xúc tiến đầu tư nước ngoài của TP trong sáu tháng đầu năm là rất thấp (chỉ có 30 dự án đầu tư với số vốn vỏn vẹn trên 10 triệu USD).

Nguyên nhân theo ông Thơ là TP chưa có kinh nghiệm trong công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư. “Vì vậy nhờ Bộ Ngoại giao giúp kết nối các doanh nghiệp cho TP, giới thiệu giúp TP một số tập đoàn lớn vào khu công nghệ cao và khu công nghệ tập trung” - ông Thơ nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mới đây nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất Chính phủ trình về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, cho phép Đà Nẵng được huy động nguồn vốn tới 40% so với tổng mức thu ngân sách, bình thường theo luật ngân sách thì chỉ được 30%. “Cho nên nguồn vay huy động của TP cộng lại được khoảng trên 4.000 tỉ đồng, cái này đã được tính toàn và phù hợp với khả năng trả nợ. Đây là nguồn lực quan trọng để TP phát triển”, ông Thơ chia sẻ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng việc thực hiện các dự án ODA của TP Đà Nẵng là rất tốt và hiệu quả. Ảnh: LÊ PHI

Về các dự án ODA, ông Thơ cho rằng giai đoạn 2011-2015, TP có 13 dự án có dùng đến ODA với tổng số vốn đầu tư 700 triệu USD trong đó vốn ODA là 450 triệu USD còn lại là vốn đối ứng. Việc triển khai các dự án ODA khá thuận lợi, đặc biệt là các dự án của WB. Đà Nẵng được đánh giá là địa phương làm rất tốt nên được ngân hàng thế giới tín nhiệm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đánh giá việc thu hút đầu tư của Đà Nẵng là quá thấp. Tuy nhiên, đánh giá về các tiêu chí thì các dự án ODA của Đà Nẵng làm là rất tốt, có hiệu quả. TP có kinh nghiệm rất tốt là thành lập Hội đồng điều hành dự án.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định về cơ chế tài chính cho các dòng vốn ODA. “Vì vậy đề nghị Đà Nẵng trên cở sở kinh nghiệm, khả năng đáp ứng của mình xem xét đóng góp ý kiến”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Đà Nẵng trong việc thực hiện các dự án lớn đang tính tới việc vay nguồn vốn ODA như: Di dời ga đường sắt, mở rộng cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu… bởi cơ chế tiếp cận nguồn vốn không đơn giản. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới