Đa Phước: Hơn 200 m3 cát bị trôi xuống rạch

Ngày 3-10, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã gửi báo cáo khẩn đến UBND TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM cùng nhiều cơ quan ban ngành khác về sự việc xảy ra tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Văn bản khẩn của VWS gửi lãnh đạo UBND và Sở TN-MT TP.HCM báo cáo tình hình khẩn cấp về sự cố tràn cát xuống sông

Trong bản báo cáo, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS, cho biết sự việc xảy ra khoảng 12 giờ 30 ngày 2-10 tại khu vực nhà thầu đang tiến hành bơm hơn 15.000 m3 cát ở phía đông của khu liên hợp nhằm phục vụ cho hoạt động xây dựng. Do nhà thầu bơm cát không lường trước được ảnh hưởng từ trận mưa lớn kéo dài liên tiếp đã vô tình tạo thành lối thoát trôi cát ra rạch. Ước chừng hơn 200 m3 cát trôi xuống rạch do nước mưa trộn với nước bơm cát và cát hòa lẫn vào nhau. Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan thẩm quyền như Sở TN&MT TP, Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM (MBS), UBND huyện, xã, công an địa phương... đã có mặt kịp thời để kiểm tra hiện trường, phối hợp thực hiện và cử đơn vị đại diện xuống lấy mẫu hai bên cùng các công ty tư vấn độc lập của VWS.

Ông Kevin Moore cho biết công ty đang đợi kết quả phân tích, khoảng từ 7 đến 9 ngày. Nếu có vi phạm khi thông báo kết quả lấy mẫu, VWS sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Văn phòng của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, nơi bị nhiều người dân tụ tập từ trưa ngày 2-10 cho đến 15 giờ 30 ngày 3-10

Theo thông tin từ VWS, từ đêm 2-10 đến sáng 3-10, nhiều người dân sống quanh khu vực đã kéo tới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước khá đông. Họ cho rằng nước thải từ khu liên hợp chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm chết thủy hải sản... và yêu cầu VWS giải quyết. Việc tập trung đông người khiến các xe vận chuyển rác không thể vào bãi chôn lấp. VWS đang cùng các cơ quan chức năng nỗ lực xử lý sự cố.

Được biết, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do VWS làm chủ đầu tư có quy mô 128 ha với gần 150 triệu USD. Hiện nay công suất xử lý là 10.000 tấn rác mỗi ngày, có khả năng tiếp nhận 3.000 tấn/ngày. VWS không chỉ xử lý rác bằng cách chôn lấp công nghệ cao mà còn xử lý nước rỉ rác, tái sử dụng nước sau xử lý, sản xuất phân compost, thu khí gas từ bãi chôn lấp để sản xuất điện… Song song với việc điều hành hoạt động tại khu liên hợp ở Đa Phước, VWS cũng đầu tư Khu Công nghệ xanh ở Đức Hoà, Long An, thiết kế khu vực xây dựng trạm trung chuyển khép kín để vận chuyển rác từ TP.HCM về dự án này bằng xà lan chuyên dụng để xử lý sau năm 2020.

Dự kiến sau khi khu liên hợp nói trên đóng bãi, VWS sẽ thiết kế các ô chôn lấp rác thành khu thể thao phức hợp bao gồm sân golf, sân tennis, sân bóng, công viên sinh thái… Những công trình này góp phần nâng cao giá trị khu vực và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân sau năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm