Đa số thành viên Chính phủ muốn Bộ GTVT cấp bằng lái xe

Sau khi Bộ GTVT trình dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Bộ Công an trình dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ thực hiện phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về hai dự luật này. một trong những vấn đề cần lấy ý kiến là việc xác định cơ quan nào sẽ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Phiếu các thành viên Chính phủ phân tán

Theo Văn phòng Chính phủ, sau khi phát phiếu thăm dò ý kiến, đến ngày 11-8 có 19/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến về hai dự luật nêu trên. Trong đó, 11/19 thành viên Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quy định này được quy định ở Luật GTĐB. Ngược lại, 8/19 thành viên Chính phủ muốn giao công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an, đồng thời quy định này được đưa vào Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Về phần mình, Văn phòng Chính phủ cho rằng hiện nay, hoạt động đào tạo lái xe được xã hội hóa và Bộ GTVT được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác này còn nhiều hạn chế, bất cập, cần sửa đổi về thể chế để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGTĐB.

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ nhận thấy việc quản lý, đào tạo lái xe và việc sát hạch, cấp GPLX có tính liên thông, cần được quản lý chặt chẽ, không nên tách rời giữa đào tạo với sát hạch, cấp GPLX nhằm giám sát chặt chẽ và bảo đảm ATGTĐB.

Để tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thi hành và áp dụng pháp luật thì cần đổi mới cơ chế quản lý đối với công tác này theo hướng Luật Bảo đảm TTATGTĐB sẽ điều chỉnh thống nhất lĩnh vực này là hợp lý. “Nhưng đây là nội dung phức tạp, nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ thảo luận thêm...” - Văn phòng Chính phủ ý kiến.

Học viên trong giờ học thực hành lái ô tô tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ GTVT vẫn thực hiện ổn định

Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật GTĐB sửa đổi, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho rằng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hoạt động theo chế định dân sự. Điều này được thể hiện bằng việc xã hội hóa mạnh mẽ theo hướng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Hơn nữa, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ trên theo chủ trương của Đảng, tại Nghị quyết số 17/2007 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó quy định: “Một số nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nếu đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý, nhằm tập trung nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Theo đó, nhiều năm qua Bộ GTVT vẫn thực hiện ổn định và quản lý, kiểm soát thông qua các chế định của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cạnh đó, phân cấp cho các địa phương trên cả nước, đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn về nhiệm vụ giữa các cơ quan, bộ máy tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, ông Thể cho rằng công tác trên nếu để Bộ GTVT quản lý không làm thay đổi việc tham gia các điều ước quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Bởi hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước song phương, đa phương, trong đó có hiệp định công nhận GPLX giữa các nước trong khối ASEAN; các hiệp định, nghị định thư về vận tải đường bộ với Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Các điều ước quốc tế này đều được Bộ GTVT thay mặt Chính phủ đàm phán, ký kết thực hiện với vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp GPLX. “Nên việc giữ ổn định trong công tác quản lý nhà nước này cho phép Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, tài trợ nguồn lực để hiện đại hóa công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ các tổ chức quốc tế... Song song đó, còn đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong công tác đào tạo để phù hợp với sự phát triển của các loại hình phương tiện, loại hình vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…” - ông Thể nêu quan điểm.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra dự luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tán thành phương án giao nội dung quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ sẽ được quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

“Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch lái xe đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an bổ sung, đánh giá những bất cập, hạn chế hoặc mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước đối với việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX dân sự làm cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định…” - ông Long nêu ý kiến. 

Phải do Bộ Công an quản lý?

Ngược lại, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX phải do Bộ Công an quản lý và được quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Vì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ thể mang tính quyết định đến sự an toàn, liên quan chặt chẽ đến nhiều yếu tố như: Khả năng nhận thức và năng lực hành vi, kỹ năng lái xe, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống giao thông, trạng thái tâm lý, quá trình chấp hành pháp luật về hình sự... Khi người điều khiển xe trên đường thì bắt buộc phải hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật để lưu thông an toàn.

Người đứng đầu ngành công an cho biết theo thống kê có trên 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Trong đó, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết, bị thương nhiều người, nguyên nhân là do tài xế ngủ gật, sử dụng chất ma túy... Vì vậy, việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông là quản lý hành vi của con người, bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định.

“Người tham gia giao thông chấp hành tốt các quy định pháp luật là một quá trình thường xuyên, liên tục, không đơn thuần là quản lý hành chính đối với GPLX tương tự như việc quản lý các loại giấy phép thông thường khác…” - Bộ trưởng Tô Lâm nêu ý kiến.

Bộ Công an cũng cho rằng công tác sát hạch, cấp GPLX là sự đánh giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một con người cụ thể sau quá trình đào tạo lái xe, đánh giá sản phẩm của quá trình đào tạo, thông qua việc kiểm tra, chứng nhận có hay không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Do đó phải được quản lý rất chặt chẽ. “Các quốc gia trên thế giới đều quy định và thực hiện như vậy, trong đó nhiều quốc gia tiên tiến đã tách bạch công tác đào tạo lái xe với công tác sát hạch, cấp GPLX và giao cơ quan cảnh sát quản lý công tác sát hạch, cấp GPLX…” - ông Tô Lâm lý giải.

Cạnh đó, ông Tô Lâm cũng khẳng định lực lượng công an được tổ chức ở bốn cấp, có đủ điều kiện về biên chế, tổ chức bộ máy và nguồn lực để thực hiện, không làm phát sinh biên chế và bộ máy mới khi tiếp nhận nhiệm vụ cấp GPLX dân sự. Vì nhiệm vụ này công an đã thực hiện trước năm 1995.

Thủ tướng yêu cầu không để hai dự luật chồng chéo

Ngày 12-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7-2020.

Liên quan đến dự thảo Luật GTĐB sửa đổi và dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Thủ tướng cho rằng an toàn giao thông là vấn đề lớn và quan trọng vì “tính mạng con người là trên hết”. Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB là cần thiết, trên cơ sở tách ra từ Luật GTĐB 2008.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước”.

Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, Thủ tướng nêu rõ không để chồng chéo, cái gì thuộc giao thông tĩnh, xây dựng công trình thì thuộc Bộ GTVT, cái gì liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì giao cho Bộ Công an. “Về quản lý hệ thống báo hiệu GTĐB, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông…” - Thủ tướng nói.

Để hoàn thiện dự thảo luật, Thủ tướng giao hai bộ tiếp tục rà soát, bảo đảm tính bao quát, toàn diện, thống nhất, không chồng chéo, trùng lắp với lĩnh vực GTĐB đã được quy định trong Luật GTĐB.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới