Đặc phái viên chống IS đánh lừa ông Trump về số quân ở Syria

Đặc phái viên Mỹ về liên minh toàn cầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Jim Jeffrey cho biết khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút gần hết số lính ở Syria chỉ để lại vài trăm người, ông đã quyết định giấu Tổng thống Mỹ về số quân thực sự còn ở lại.

“Chúng tôi phải giấu giếm và đánh lừa nhà lãnh đạo của chúng tôi số binh lính còn ở lại. Quân số thực tế ở Syria hiện tại còn nhiều hơn rất nhiều so với con số 200-400 người mà Tổng thống Trump đã đồng ý để lại năm ngoái” - ông Jeffrey tiết lộ trong cuộc phỏng vấn hôm 13-11.

Ông Jeffrey và nhóm nhân viên của ông thường xuyên lừa Tổng thống Trump về số lượng binh lính ở Syria để đảm bảo sẽ "không bao giờ có một cuộc rút quân nào ở Syria”, đài RT đưa tin.

Một đoàn xe quân đội Mỹ được nhìn thấy sau khi rút khỏi miền bắc Syria vào ngày 21-10-2019. Ảnh: REUTERS

Trước khi làm việc cho chính quyền ông Trump, đặc phái viên Jeffrey được biết đến là người không ủng hộ Tổng thống Mỹ. Ngay sau khi ông Trump thắng cử năm 2016, đặc phái viên Mỹ đã nhận định ông “sẽ là Tổng thống liều lĩnh nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Tuy nhiên, dù luôn phản đối với các chính sách của Tổng thống Mỹ, ông Jeffrey khẳng định cách tiếp cận "khiêm tốn" của ông Trump đối với vấn đề ở khu vực Trung Đông đã mang lại nhiều kết quả tốt hơn so với chính sách của những nhà tiền nhiệm trước đó như các cựu tổng thống George Bush và Barack Obama.

Những tháng gần đây, ông Trump đã cố gắng thiết lập một liên minh chính trị giữa Israel và một số quốc gia vùng Vịnh, đồng thời duy trì quan hệ với Iraq và tập trung sức ép lên Iran.

“Không ai thực sự muốn thấy Tổng thống Trump ra đi, trong số tất cả các đồng minh của chúng tôi. Sự thật là Tổng thống Trump và các chính sách của ông ấy đã nhận được sự ủng hộ ở nhiều tiểu bang của chúng tôi"

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quân đội Mỹ sẽ sớm rút khỏi Afghanistan và trở về nhà trước Giáng sinh năm nay. Ảnh: TWITTER

Tổng thống Mỹ đã khiến các quan chức Lầu Năm Góc và nhà ngoại giao tức giận khi tuyên bố rút gần hết số quân Mỹ khỏi Syria vào tháng 10-2019.

Việc quyết định rút quân khỏi Syria dường như để Tổng thống Mỹ thực hiện lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử vào năm 2016, rằng sẽ đưa Mỹ thoát khỏi “cuộc chiến kéo dài” ở Trung Đông, theo RT.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã từ chức để thể hiện sự phản đối khi ông Trump lần đầu công bố kế hoạch rút quân vào năm 2018.

Khi tờ The New York Times công bố thông tin cáo buộc Nga trả tiền cho các chiến binh Taliban giết quân Mỹ ở Afghanistan hồi tháng 6, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm quyền đã bỏ phiếu bác bỏ quyết định rút binh lính khỏi Syria của ông Trump.

Thông tin về việc Tổng thống Donald Trump đã bị đánh lừa từ trước đến giờ về số quân còn lại ở Syria được lan truyền khắp trang mạng Twitter. Ảnh: TWITTER

Dù bị bác bỏ nhưng Tổng thống Mỹ vẫn không từ bỏ ý định rút quân khỏi Trung Đông khi ông thực hiện một số thay đổi nhân sự trong nội các khoảng thời gian gần đây. 

Theo đó, cựu Đại tá Lục quân Mỹ Douglas Macgregor - người luôn ủng hộ việc chấm dứt các cuộc chiến tranh ở Afghanistan - đã được chọn làm người hỗ trợ cho Bộ trưởng Quốc phòng mới Christopher Miller.

Ông Miller là người thay thế cựu Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bị Tổng thống Trump sa thải hôm 9-11 vừa rồi. Ông Esper được cho là đã chống lại kế hoạch rút quân của ông Trump, cho rằng vẫn còn "quá sớm” để Mỹ giảm sự can thiệp của mình ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm nay vẫn chưa rõ ràng và nhiệm kỳ của ông Trump có thể sắp kết thúc. Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden chính thức thắng cử, đặc phái viên Jeffrey cho rằng ông Biden vẫn nên tiếp tục các kế hoạch của Tổng thống Trump ở Trung Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới