Ngày 15-3, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm đặc sản chủ lực dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh.
Trước đó, ngày 26-1-2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 298/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và Quyết định số 297/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre.
Bưởi da xanh đặc sản nổi tiếng của Bến Tre.
Theo đó, khu vực địa lý là các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại và TP Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý hai chỉ dẫn địa lý nói trên. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam đối với hai sản phẩm nói trên.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 70.000 ha diện tích trồng dừa, trong đó diện tích dừa xiêm xanh gần 8.000 ha. Riêng bưởi da xanh đã phát triển hơn 7.200 ha, cho sản lượng khoảng 57.000 tấn/năm. Đây là hai loại trái cây có chất lượng cao được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cho hay việc công bố chỉ dẫn địa lý cho bưởi da xanh và dừa xiêm xanh của Bến Tre sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Tuy vậy, đây chỉ là bước khởi đầu, vì vậy hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với hai sản phẩm dừa xiêm xanh uống nước và bưởi da xanh cũng cần được quan tâm đẩy mạnh và tập trung hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để người dân áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Dừa xiêm xanh cũng là đặc sản chủ lực của tỉnh.
Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, cho biết sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều việc quan trọng tiếp theo, trong đó có đẩy mạnh thanh lọc, chọn và nhân giống để bảo tồn và nâng chất lượng của hai trái ngon.
Đồng thời xây dựng vườn mẫu, vườn hữu cơ, liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hệ thống các công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chuỗi giá trị, quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân, người sản xuất, kinh doanh nhận thức được rằng chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của tỉnh, của quốc gia nên mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức trong giữ gìn và phát triển.
Đồng thời tỉnh cũng sẽ nghiên cứu triển khai đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tạo tiền đề để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.