Đó cũng là những cây dừa chuẩn bị đem ra trồng tại Trường Sa và các vùng đảo quê hương nằm trong chương trình “100.000 cây dừa cho biển đảo Việt Nam” do Hiệp hội Dừa Việt Nam phát động.
Sau khi ươm giống, ông Thưởng giữ lại quả dừa “điềm báo lành” để làm kỷ niệm - Ảnh: Thúy Hằng
Rời phà Hưng Phong, chúng tôi hỏi đường vào nhà ông Đỗ Thành Thưởng, ngụ xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Một bà cụ chỉ ngay: “Tưởng ai chứ nhà ổng gần xịt hà”.
Gắn cả đời với cây dừa
“Vua dừa” là cái tên thân thương mà người dân gọi ông Thưởng. Cách đây 16 năm, ông đã được Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương tặng danh hiệu “Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam”. Cũng mới đây, tổ chức này tiếp tục trao cho lão nông đã bước qua tuổi 78 giải thưởng Tree of Life (Cây của cuộc sống).
Nhà ông nằm gọn lỏn trong vườn dừa. Vừa mở cổng rào, ông Thưởng “bập” ngay vào chuyên môn của mình: “Ở dưới phà nhìn lên dễ biết vườn dừa nào của tui trồng. Cây nào cây nấy khỏe khoắn, lá hơi ngả vàng chứ không xanh ngắt, lặt lìa. Cái màu vàng đó cho biết cây đủ kali, không dư đạm. Mà nếu cây bị dư đạm là trái rụng la liệt. Tùy từng loại đất, từng độ tuổi mà có cách bón phân khác nhau. Tui nghiên cứu rồi tự tay pha trộn phân bón cho cây dừa mới được vầy đó”.
Hiện vườn dừa của ông Thưởng có hơn 20 giống dừa quý, trong đó có những giống được trồng thử nghiệm trước khi nhân ra toàn tỉnh như dừa dứa, dừa xiêm xanh, dừa núm, dừa lai...
Ông Thưởng nhớ như in thời điểm đánh dấu cuộc đời ông gắn bó với cây dừa. Giữa tháng 5-1965, vừa tốt nghiệp khoa vật lý Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được tổ chức cách mạng phân công về quê hương Bến Tre công tác. Vừa đặt chân về nơi chôn nhau cắt rốn, ông chứng kiến những làn bom đạn giội ầm ầm vào vườn dừa của gia tộc, vậy mà những thân dừa lỗ chỗ vết thương vẫn đứng sừng sững.
Sau đó ít tháng, những cây dừa liền sẹo rồi phát triển tươi tốt. Từ đó, bên cạnh nhiệm vụ tổ chức phân công, ông Thưởng dành hết thời gian nghiên cứu cây dừa và nguyện với lòng phải gìn giữ vườn dừa của gia tộc như chính máu thịt của mình.
Gần 50 năm dằng dặc với suy nghĩ tìm cách nâng cao giá trị cây dừa, ông Thưởng kể hồi mình còn nhỏ, chỉ hai trái dừa có thể đổi được hai gánh khoai lang nặng hơn chục ký, nhưng càng về sau giá dừa càng tuột dốc. Cuộc sống người trồng dừa lâm cảnh khốn đốn đến độ họ phải đốn bỏ dừa để trồng cây khác.
Thời điểm đó là năm 1993, trong lúc chưa nghĩ ra cách nào để cứu vườn dừa thì ông Thưởng nhặt được một trái dừa rất lạ trong vườn mà ông gọi là quả dừa “điềm báo lành”. “Quả dừa có hình một cánh chim gắp quả dừa bay đi. Tui đinh ninh cánh chim sẽ mang quả dừa xứ mình đi khắp thế giới, giá dừa ắt sẽ lên. Nói thì nghe có vẻ mê tín, chứ thật ra tui biết chắc giá dừa sẽ lên vì nếu ai cũng đốn dừa thì không đủ dừa bán, giá sẽ tăng. Quy luật cung cầu thôi” - ông Thưởng nhớ lại.
Từ quả dừa “điềm báo lành” này, ông ươm dừa giống và không ngờ sau đó giống dừa này rất sai trái, nước rất ngọt. Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái khắp nơi đổ về vườn của ông mua dừa, nông dân các nơi cũng tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng dừa. Vườn dừa nhà ông được cứu, cùng lúc đó niềm tin vào cây dừa của người dân cũng dần được phục hồi.
Không dừng lại ở đó, một đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu dầu thực vật (OPI) biết ông yêu cây dừa, sớm bén duyên với nghiệp trồng dừa nên đã tìm đến nhà ông đặt vấn đề cung cấp giống dừa lai PD 121 có năng suất và chất lượng để ông nhân giống và bảo tồn. Kể từ đó, vườn dừa của ông thêm phần nổi tiếng, năng suất ngày một tăng.
Cuối năm 1999, sau khi tổng kết số liệu, Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương công nhận năng suất trồng dừa của ông cao nhất cả nước.
Chỉ tin vào thực tế và thử nghiệm
Khẽ vuốt lại mái tóc đã pha sương bằng đôi bàn tay chai sần, ông Thưởng hớp một ngụm trà quạu rồi tâm sự: “Để có được năng suất cao nhất nước không phải chuyện dễ. Nhiều người dựa vào lý thuyết, còn tui dựa vào thực tế. Quan sát, làm nhiều thử nghiệm rồi đúc kết thành kinh nghiệm”.
Áp dụng theo kỹ thuật của ông Thưởng, năng suất bình quân một cây dừa đạt 240 trái/năm - Ảnh: Ngọc Tài
Nói dứt câu, ông liền dẫn chúng tôi ra vườn chỉ cặn kẽ. Vừa đi ông vừa dặn đi cho khéo để không giẫm nhầm kiến vàng ông nuôi trong vườn. Chưa hết ngạc nhiên, chúng tôi lại được ông chỉ tiếp vào mớ cá vụn mua về cho kiến ăn.
“Mùa nắng kiến không có mồi, phải mua thức ăn cho chúng. Sang mùa mưa thì khỏi. Nhờ lũ kiến vàng mà dừa tui không bị bọ vòi voi hoành hành. Kiến vàng có nhiều lợi ích cho vườn dừa lắm. Hồi xưa tui phải đi bắt kiến về nuôi, có khi bị kiến cắn đau quá buông tay té dưới sông hoài chứ gì” - ông giải thích.
Không chỉ nuôi kiến vàng, cách bón phân của ông Thưởng cũng rất lạ. Mỗi gốc dừa có một công thức khác nhau tùy vào từng loại giống, độ tuổi và độ màu mỡ của đất. Ông cho biết vùng đất cù lao Hưng Phong có độ mặn cao hơn các vùng khác nên ông hạn chế bón phân có chứa hàm lượng làm tăng độ mặn của đất. Ông cho biết: “Mặc dù dừa rất cần muối, nhưng nếu nhiều muối quá sẽ làm dừa bị điếc”.
Lý thuyết là vậy, nhưng làm thế nào để biết độ mặn là vừa đủ thì ông phải làm tiếp nhiều thực hành khác. “Tui đi từ đầu cồn đến cuối cồn xem chỗ nào dừa không có can thiệp phân hóa học mà tươi tốt, trái chất lượng, tức là nơi đó muối vừa đủ. Tui mang đất về để so sánh với đất vườn nhà mình rồi đúc kết, dùng lượng muối, kali vừa đủ” - ông phân tích.
Cách làm của ông Thưởng ban đầu bị nhiều người phản ứng, trong đó có cả những kỹ sư. Thế là ông từ từ phân tích cách làm của mình rồi chất vấn về những tài liệu mà họ đang áp dụng.
“Có lần kỹ sư đưa tài liệu của quốc gia khác áp dụng rất thành công ở nước họ và đòi áp dụng ở Việt Nam, nhưng tui cự lại. Mỗi nơi mỗi khác, không thể đem râu ông nọ cắm cằm bà kia được. Lần đó mấy kỹ sư giận tui luôn. Giận thì giận chứ biết làm sao. Tui chỉ tin vào thực tế, chứ áp dụng lý thuyết suông là tui không chịu” - ông Thưởng nói tiếp.
Không lâu sau đó, chính những kỹ sư này phải phục ông sát đất khi năng suất bình quân một cây dừa trong vườn nhà ông là 240 trái/năm, hơn hẳn những vườn dừa áp dụng theo kỹ thuật của mấy anh kỹ sư. Đặc biệt hơn, giống dừa lai ông trồng chỉ hai năm là cho trái, gây sửng sốt không chỉ với nông dân mà cả các nhà khoa học.
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, từng có nhiều dự án hợp tác với ông Thưởng.
Tiến sĩ Hạnh chia sẻ: “Ông Thưởng đúng là một nông dân thực hành tốt. Ông ghi chú đầy đủ thông tin về vườn dừa, đây là điều ít nông dân nào làm được. Chính vì thế tôi đã chọn vườn dừa của ông làm nơi thử nghiệm, ứng dụng những dự án mới và đạt được kết quả như mong muốn. Hiện nay, dù ông đã lớn tuổi nhưng vẫn tích cực tìm tòi, học hỏi thêm để hỗ trợ tôi thực hiện dự án về nâng cao hiệu quả vườn dừa”.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thưởng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người. Điều làm ông vui nhất không phải là những bằng khen, giấy chứng nhận mà là lúc chia sẻ kinh nghiệm, rồi từ đó mang đến năng suất và lợi nhuận cao cho người trồng dừa quê hương ông. “Hôm qua mới có một nhóm nông dân đến đây học tập kinh nghiệm nè” - ông cười tươi nói.
Nhấp ngụm trà, ông Thưởng nói tiếp: “Đã nhiều lần tui nghĩ không biết các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam mình có trồng dừa không? Tui muốn ở các đảo của đất nước mình rợp bóng dừa nhưng không biết làm sao. Thế rồi mới đây Hiệp hội Dừa Việt Nam đến đặt hàng tui ươm dừa, đồng thời ngỏ lời mời tui ra các đảo hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc dừa. Tui gật đầu cái rụp. Vậy thì quá hay, coi như kẻ già này lại có thể đem kinh nghiệm trồng dừa truyền đạt đến nhiều nơi”.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nếu không có gì thay đổi, ông Thưởng sẽ là một trong những người đầu tiên ra đảo để trồng dừa. Những cây dừa ấy rồi đây sẽ rợp bóng xanh, vươn mình trong bão tố phong ba trên các đảo thân yêu của Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết chương trình “100.000 cây dừa cho biển đảo Việt Nam” đến nay đã nhận được 360 cây giống, 2,5 tấn phân bón, 2 triệu đồng tiền mặt và một số bánh kẹo làm từ dừa của người dân đóng góp. Theo kế hoạch, trước tiên sẽ có 500 cây dừa và 2,5 tấn phân bón đưa ra trồng trên quần đảo Trường Sa thời gian tới. |
Theo NGỌC TÀI - THÚY HẰNG (Tuổi Trẻ)