Ở Côn Đảo, hỏi đặc sản, rất nhiều người bán hàng nhiệt tình chỉ những chiếc lược và đồ lưu niệm "hàng thật làm từ vảy đồi mồi", nhưng thực ra là lược nhựa.
Ở Sa Pa, hàng chục quầy hàng lưu niệm khu chợ đêm hầu như 90% là hàng Trung Quốc, từ những đồ mỹ nghệ nho nhỏ xinh xinh, cái móc khóa, móc điện thoại, quạt thơm, túi thơm, hàng thổ cẩm... Chỉ ở khu đồ nướng gần đó tôi mới thực sự tìm thấy một đặc sản Sa Pa, mà cũng rất tình cờ. Khi hỏi có rau gì ăn kèm thịt nướng cho đỡ ngán không, chị bán hàng bốc ra một nắm lá có vị thơm chua thanh rất lạ, ngon rụng cả lưỡi. Món rau đặc biệt này không thấy ở dưới xuôi mà tôi cũng quên tên mất rồi. Tiếc rẻ hỏi sao không đưa ra ngay từ đầu thì chị bảo: "Có thấy ai hỏi đâu" !
Do không ai hỏi nên suốt ba đêm ngồi khoán ở đó tôi không hề thấy món lá kể trên được giới thiệu cho bất cứ vị khách nào nữa, ngoài mỗi mình tôi! Nhưng làm sao biết được mà hỏi, vì tôi cũng không thấy nó được giới thiệu trên các hướng dẫn du lịch Sa Pa.
Còn nếu có người quen ở Đà Lạt thì du khách sẽ được rỉ tai khuyên đừng mua ô liu, đào giòn, đào sữa, mận... dù nó được bày bán tràn lan trong chợ đêm và dán nhãn đặc sản Đà Lạt. Theo dân bản địa, đặc sản chính cống Đà Lạt phải là rau, hoa, rượu vang, khoai lang dẻo, dâu tây... còn những mặt hàng trên đều nhập về từ Trung Quốc.
Ở Phan Rang, thành phố nhỏ cực Nam Trung Bộ với khí hậu bán sa mạc bỏng rát đã rất nổi tiếng với trái nho, nhưng nó còn có thứ "đặc sản" khác mà theo tôi hết sức thú vị để khai thác du lịch: đó là quê hương của một tổng thống chính quyền cũ-ông Nguyễn Văn Thiệu. Đến bây giờ, ngôi nhà mái ngói nhỏ bên đầm Nại của gia đình ông vẫn còn nguyên. Đặc biệt giai thoại về hòn đá Dao gắn liền với sự tồn vong của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cực kỳ hấp dẫn. Theo những thông tin ít ỏi trên báo chí và truyền miệng từ người dân địa phương, trên núi Đá Chồng ở làng Tri Thủy, thị trấn Dư Khánh, quận Thanh Hải (nay là xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) có một hòn đá mang hình dạng con dao nằm chông chênh trên tảng đá khác làm đế. Các thầy phong thủy của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phán đây chính là long mạch của gia đình ông Thiệu, nó khắc chế hòn Mặt Quỷ nằm trên sườn núi cách đó gần một cây số. Đá Dao còn thì quan lộ ông còn. Nào ngờ một buổi chiều năm 1974, trong khi trời quang mây tạnh, đá Dao bỗng nhiên vỡ đôi lăn lông lốc xuống chân núi trong một tiếng động kinh hồn. Một năm sau, chính quyền ông Thiệu sụp đổ.
Tôi đi qua núi Đá Chồng nhiều lần từ khi vùng này còn hoang sơ, khoảng hơn hai mươi năm trước. Lúc ấy con đường ven chân núi vẫn chỉ là đường mòn nhỏ quanh co, hai bên đầy cây bụi lúp xúp và xương rồng gai, quang cảnh khô không khốc. Ấy thế nhưng Đá Chồng không hổ danh độc đáo: ngay sát đường, những tảng đá to như ngôi nhà dường như chỉ được đặt hờ hững lên nhau, nom chông chênh đến nỗi tưởng chỉ cần giậm mạnh chân nó cũng rời ngay ra sụp xuống. Cứ mỗi lần đạp xe qua, đến đoạn này là tôi bất giác nín thở.
Thế nhưng thật đáng tiếc, giờ đây những tảng đá chồng hầu như không còn dấu vết. Tuần trước tôi đi lang thang qua đây cố tìm lại chúng nhưng chẳng thấy đâu. Hòn đế của đá Dao đâu? Đá Mặt Quỷ nơi nào? Hỏi nhiều người dân bên đường cũng chẳng ai biết chúng là gì nữa. Quá đáng tiếc cho những giai thoại và dấu tích lịch sử hấp dẫn đầy tiềm năng khai thác du lịch tại một vùng đất vẫn bị đánh giá là nghèo xơ xác.
Những câu chuyện dở khóc dở cười về cách khai thác đặc sản để làm du lịch của chúng ta, tôi nghĩ nhiều người có thể kể ra vô vàn. Hỡi ôi chẳng cần đi đâu xa, chỉ so sánh với vài nước ngay bên cạnh ta đã thấy họ tận dụng triệt để từng chút dấu tích và giai thoại để khai thác sự tò mò háo hức của khách du lịch đến mức nào. Và đó là tiền. Là nguồn tiền dồi dào để tái đầu tư cho vùng đất du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tại sao ta không học được cách làm ấy mà cứ mãi tự khoe giàu tiềm năng làm gì? Chao ôi, cứ tiềm năng tiềm ẩn mãi, công chúa ngủ trong rừng mãi đến khi nào tự mục rã ra luôn ư?