Chiều 29-7, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi của HĐXX, VKS và luật sư đối với các bị cáo là ban giám đốc, các đăng kiểm viên (ĐKV) thuộc trung tâm đăng kiểm 50-06V trực thuộc Cục Đăng kiểm.
Chủ động viết đơn tự thú
Là người đầu tiên được xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thanh Long (Giám đốc trung tâm) khai đã nghiêm cấm việc nhân viên nhận hối lộ, bỏ qua lỗi đăng kiểm không đạt. Chỉ cho phép thuộc cấp nhận tiền sau khi xe đăng kiểm đạt, việc nhận tiền với mục đích nâng cao đời sống, ngoại giao và đưa lãnh đạo cấp trên.
"Bị cáo cho nhân viên nhận tiền khách hàng, xe không có lỗi gì hết thì sao người ta đưa tiền? Điều này chứng tỏ bị cáo tại tòa khai báo không thành khẩn"- HĐXX chất vấn.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long cho biết, không được làm việc về nội dung phải chịu trách nhiệm hình sự chung đối với số tiền nhận hối lộ. Đồng thời bị cáo này cũng xin xem xét lại số tiền hưởng lợi vì cho rằng số tiền hưởng lợi chỉ khoảng 850 triệu đồng (cáo trạng xác định hưởng lợi hơn 1,1 tỉ đồng).
Các ĐKV khác tại trung tâm đăng kiểm này đều thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết nhận tiền là theo chủ trương từ ban giám đốc trung tâm. Đồng thời các ĐKV này đều đồng loạt xin HĐXX xem xét về số tiền hưởng lợi cáo trạng quy kết vì cho rằng số tiền này có được là tính trên số ngày làm việc thực tế nhân với số tiền nhận hối lộ trung bình hằng ngày.
Cụ thể, các bị cáo là ĐKV xin được trừ những ngày nghỉ Lễ, Tết và những ngày nghỉ công việc cá nhân để từ đó xác định lại số tiền hưởng lợi.
Về vấn đề này, đại diện VKS đã giải thích rõ trước khi Cơ quan điều tra làm việc tại Trung tâm 50-06V thì các bị cáo đồng loạt làm đơn tự thú nên VKS đã ghi nhận cho các bị cáo tình tiết giảm nhẹ này cho các bị cáo.
Cạnh đó, theo đại diện VKS trong quá trình điều tra, truy tố VKS và Cơ quan điều tra đã tạo điều kiện có lợi tối đa cho các bị cáo khi đã trừ mỗi bị cáo hai tháng khi tính số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo. Số liệu có được như trong cáo trạng nêu là căn cứ vào chính lời khai của các bị cáo, các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ để xác định.
Bật đèn cảnh báo để ra tín hiệu
Cáo trạng xác định, từ ngày 1-8-2016, Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm 50-06V. Ban Giám đốc Trung tâm gồm: Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Doãn Hồng, Trần Anh Tú đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo các trưởng chuyền, ĐKV nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đến đăng kiểm.
Cụ thể, xe ô tô con dưới 9 chỗ, từ 9-16 chỗ số tiền từ 100.000-150.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô từ 16 chỗ đến 45 chỗ là 200.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô tải dưới 5 tấn là 200.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô tải trên 5 tấn là 300.000 đồng/xe/lượt kiểm định...
Khi xe vào Trung tâm đăng kiểm, nếu xe có để tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm, khi đến công đoạn 3 ĐKV xác định xe có để sẵn tiền hối lộ thì sẽ tắt đèn cảnh báo nguy hiểm; nếu trên xe không có để sẵn tiền hối lộ thì ĐKV vẫn để đèn cảnh báo nguy hiểm mở để các ĐKV biết nếu có lỗi sẽ không kiểm định đạt. Ngoài ra, Long chỉ đạo nhận tiền tập trung vào các xe của Công ty dịch vụ công ích, các đối tượng môi giới có quan hệ quen biết.
Từ tháng 8-2018 đến 5-2022, mỗi chuyền trung bình một ngày nhận hối lộ số tiền là 6 triệu đồng, tổng ba chuyền là 18 triệu đồng/ngày. Như vậy, số tiền nhận hối lộ tại Trung tâm 50-06V trong thời gian nêu trên là 16,2 tỉ đồng. Trong số tiền này, bị cáo Long chỉ đạo trích ra một nửa (8,1 tỉ đồng) để chi cho các nhân viên không phải là ĐKV, ăn uống sinh hoạt, liên hoan tiếp khách. Số tiền còn lại các bị cáo ăn chia với nhau.