“Đại bàng” vẫn đổ tiền vào khu công nghiệp bất chấp dịch

Mặc dù việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để phòng chống dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn và khiến thị trường nhiều phân khúc bất động sản (BĐS) chững lại nhưng tình hình hoạt động của khu công nghiệp (KCN) trong những tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận những khởi sắc nhất định.

Thương vụ M&A hàng trăm triệu đô

BĐS công nghiệp đang hưởng lợi tích cực từ các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) và nguồn cung BĐS công nghiệp mới. Thị trường đã chứng kiến các thương vụ mới trong những tháng đầu năm 2021.

Đầu tiên phải nhắc đến là thương vụ giữa “ông lớn” về nền tảng BĐS hậu cần lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương là ESR Cayman Limited (Hong Kong) và Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW), nhà phát triển BĐS công nghiệp và hậu cần hàng đầu Việt Nam. Hai đơn vị này đã công bố hợp tác thành lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m² tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP.HCM. Việc hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR Cayman Limited vào thị trường Việt Nam, mở rộng thêm phạm vi hoạt động của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á.

Một khu công nghiệp ở Long An đang được xây dựng mở rộng.
Ảnh: QUANG HUY

Tiếp đến là nhà đầu tư đến từ Singapore là Boustead Projects đã mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

Một “đại bàng” khác mới gia nhập thị trường là Công ty cổ phần Công nghiệp KCN Việt Nam cũng đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD. KCN Việt Nam hiện đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho vận chất lượng cao, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An.

Sau khi rót 350 triệu USD thành lập liên doanh với một nhà đầu tư quốc tế, mới đây LOGOS Property (Úc) đã mua lại khu đất 13 ha thuộc KCN VSIP Bắc Ninh 1. Dự kiến dự án Logos Property về cơ sở hậu cần và kho bãi có diện tích 81.000 m² tại KCN VSIP Bắc Ninh 1 sẽ đi vào hoạt động trong quý IV-2021.

Báo cáo của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng nhận định thị trường BĐS công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, TP, tiêu biểu như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang...

Theo thống kê của VARS, hiện có 260 KCN đang hoạt động và 75 KCN đang xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy tại các KCN Việt Nam đạt bình quân trên 70%, giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước cũng tăng. Các chỉ số tăng trưởng đầy lạc quan của lĩnh vực BĐS công nghiệp cho thấy sức nóng của phân khúc này chưa hề giảm trước tác động của làn sóng COVID-19 mới.

Cơ hội dài hạn

Lý giải về những tín hiệu tích cực của thị trường BĐS công nghiệp, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết nhu cầu BĐS công nghiệp vẫn rất lớn, nhất là trong những năm tới. Theo TS Khương, đầu tư KCN mất nhiều năm mới có thể khai thác, vì vậy đây là thời điểm các nhà đầu tư triển khai các khâu thủ tục, tìm quỹ đất, triển khai xây dựng các KCN để chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn hơn.

“Thế nhưng cũng phải nhìn nhận rõ rằng các hoạt động M&A hiện đang diễn ra với những nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Còn đối với các nhà đầu tư mới chưa vào Việt Nam thì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng ít nhiều, trước mắt sẽ làm chậm kế hoạch di dời của các nhà máy, chuỗi cung ứng, các nhà đầu tư “đại bàng” muốn vào Việt Nam để liên hệ hợp tác, làm ăn” - ông Khương phân tích.

TS Khương cũng cho rằng khi chương trình tiêm vaccine được triển khai mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành sẽ góp phần kiểm soát cơ bản dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi thì thời gian tới BĐS công nghiệp sẽ phát triển.

Bà Trang Bùi, đại diện JLL Việt Nam, đánh giá Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để tăng trưởng, phát triển phân khúc BĐS công nghiệp vì nhà đầu tư đều có kế hoạch mở rộng thị phần và tăng trưởng sản xuất. Đặc biệt, các KCN ở miền Bắc đã có sẵn chuỗi cung ứng điện tử, điện lạnh, ô tô… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài giảm chi phí khi kéo theo chuỗi cung ứng đi kèm.

Ngoài ra, bà Trang có cho rằng xu hướng thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi, trở thành động lực lớn cho thị trường. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng.

“Với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngày càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác. So với các hoạt động hậu cần truyền thống, thương mại điện tử sử dụng nhiều lao động hơn và đòi hỏi nhiều không gian kho bãi hơn gấp ba lần. Đó là một phần yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với BĐS công nghiệp trên toàn thế giới” - đại diện JLL dự báo.

Singapore dẫn đầu về vốn FDI đổ vào Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20-5-2021, Việt Nam thu hút được tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 14 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút hơn 6,1 tỉ USD (chiếm 43% tổng vốn). Các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhất trong tháng 5-2021 đến từ nhóm doanh nghiệp Hong Kong và Singapore đầu tư.

Năm tháng đầu năm 2021 đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ USD, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,6 tỉ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với vốn đầu tư hơn 1,8 tỉ USD, chiếm 13%. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm