Phiên chất vấn đối với Sở Công Thương TP.HCM của đại biểu HĐND TP tại kỳ họp thứ tám, sáng 8-12 ghi nhận 15 câu hỏi từ chín đại biểu.
Nội dung chất vấn chủ yếu về lạm phát, giải pháp bình ổn thị trường, quản lý hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, chợ truyền thống, tiến độ cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm các ngành thâm dụng lao động, tăng công nghệ cao.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
50% mặt hàng trên sàn thương mại điện tử là kém chất lượng
Đợt chất vấn đầu tiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Nga hỏi về việc cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán 2023 được chuẩn bị ra sao để không gây biến động thị trường, giá cả hàng hóa; nhất là đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực thực phẩm, tránh tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ.
ĐB cũng hỏi về công tác quản lý, cấp phép đối với các trang thương mại điện tử, việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; trách nhiệm của Sở Công Thương trong việc quản lý hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử, chợ đầu mối, chợ truyền thống.
ĐB Nguyễn Thị Nga chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
ĐB Trần Quang Thắng yêu cầu có giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng và các công ty sản xuất làm ăn chân chính.
Theo ĐB Thắng, 50% mặt hàng trên các trang thương mại điện tử là hàng kém chất lượng. Nếu ứng dụng được các mô hình bảo vệ các sản phẩm chất lượng, thông qua cách kiểm tra bằng phần mềm như trí tuệ nhân tạo, blockchain; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các giải pháp khả tính mà Sở Công Thương đã xác minh thì vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… sẽ kiểm soát được.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ nói, việc công khai, minh bạch quá trình sản xuất sản phẩm đến với người tiêu dùng là một trong những việc mà ngành công thương phải nghiên cứu và triển khai thực hiện.
Ông Vũ cho hay theo thống kê TP có khoảng 12 triệu người làm việc, sinh sống trên địa bàn TP.HCM, dù là số đăng ký chính thức chỉ có 9 triệu người. Bình thường nhu cầu hoạt động của chuỗi cung ứng hàng hóa ở TP.HCM đã rất lớn nhưng dịp Tết thì thường tăng từ 15- 30%.
Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết, thường trực UBND đã chỉ đạo Sở Công Thương huy động các doanh nghiệp (DN) dự trữ nguồn hàng.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời chất vấn cảu đại biểu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận, vừa qua có khó khăn về tín dụng phục vụ cho DN. Sở đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho DN tham gia bình ổn thị trường với 20.000 tỉ đồng; vào tháng cao điểm thì có 8.000 tỉ đồng được phục vụ cho chương trình bình ổn thị trường.
“Chúng tôi tính toán trong giai đoạn này có khoảng 34.000 tấn hàng hóa trong chương trình bình ổn để phục vụ người dân trong dịp Tết” - ông Vũ thông tin.
Ông nói thêm, nguồn hàng Tết năm nay đảm bảo dồi dào nhưng về mặt giá cả, đặc biệt là nhóm lương thực thực phẩm sẽ tăng 2- 4%. “Khung giá này chưa đến mức điều chỉnh giá bình ổn vì các DN cũng đang giải quyết bài toán kiềm chế giá bởi sức mua không phải lúc nào lớn” - ông Vũ nói và cho biết đang vận động các DN TP tiết giảm chi phí để giữ giá phục vụ thị trường.
Về bảo vệ người tiêu dùng, hàng gian hàng giả, ông Vũ nói đây là vấn đề rất quan trọng. “Bên cạnh việc DN làm ăn chân chính, xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn thì cũng có một bộ phận sản xuất hàng gian, hàng giả. Sở cùng với Ban Chỉ đạo 138 sẽ tiếp tục trong thời gian tới” - ông cho hay.
Giá cả tăng cao so với báo cáo lạm phát
Tiếp tục đợt chất vấn, ĐB Trần Hoàng Danh nêu vấn đề: “Tình hình tăng giá cả trên thực tế có vẻ cao hơn con số lạm phát được công bố. Có vẻ hàng hóa dùng để định giá còn chưa tương đồng với giá cả thực tế. Sở Công Thương có đóng góp gì cho việc đo lường chỉ số lạm phát của địa phương và cả nước?”.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ, kinh tế TP.HCM có độ mở lớn nên chịu tác động lớn của kinh tế thế giới. 20 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM đều thấp hơn cả nước.
"Dĩ nhiên, trong rổ hàng hóa đánh giá chỉ số này có rất nhiều mặt hàng. Chúng tôi cũng ghi nhận nhóm lương thực, thực phẩm có sự biến động giá gia tăng do chi phí vận chuyển, giá xăng dầu tăng. Hiện nay, nguyên liệu đầu vào để sản xuất lương thực, thực phẩm tăng trung bình 30-50%, ảnh hưởng nhất định đến giá cả hàng hóa" - lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM phân tích.
TP đã đề ra giải pháp là tiếp tục tạo điều kiện cho khối DN sản xuất tiếp cận thị trường. Nhóm DN tham gia bình ổn được trả lãi suất thấp hơn khoảng 1% so với các DN khác. Đồng thời kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Cần có giải pháp tránh “cú sốc” thất nghiệp
ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn về lộ trình, tiến độ cụ thể để cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm các ngành thâm dụng lao động, tăng công nghệ cao.
“DN đang trông chờ lộ trình của TP để cơ cấu lại hoạt động. Người lao động cũng cần được biết để chuẩn bị cho mình, tránh cú sốc thất nghiệp thời gian tới. Việt Nam được nhiều DN nước ngoài chọn làm nơi cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp thu hút và hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ như thế nào?”- ĐB Ngọc đặt vấn đề.
Người đứng đầu Sở Công Thương TP cho biết lĩnh vực công nghiệp TP chiếm khoảng 23% trong GRDP; phát triển công nghiệp cũng là điểm sáng trong phục hồi kinh tế TP thời gian qua. Hiện các cơ quan đã xây dựng đề án giảm thâm dụng lao động. Trong đó, TP.HCM đang thực hiện ba chiến lược về ba nhóm ngành công nghiệp trọng yếu.
TP.HCM hiện có 17 khu KCX, KCN, Khu công nghệ cao đang hoạt động với 330.000 lao động; hàng năm góp phần tạo ra giá trị là 265.000 tỉ đồng. Với quỹ đất rất hạn hẹp, việc chuyển đổi công nghệ, nâng cao suất đầu tư, phát triển theo hướng công nghệ cao là rất cần thiết.
Sở Công Thương TP.HCM đang tham mưu, xây dựng định hướng phát triển công nghiệp, trong đó có xây dựng các KCN chuyên ngành về lương thực thực phẩm, chuyên về cơ khí chế tạo hay KCN y tế kỹ thuật cao…
ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề về tình trạng rau không sạch đi vào siêu thị, núp bóng rau sạch.
“Giám đốc Sở Công Thương suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp nào được đưa ra để tăng niềm tin của người dân đối với các điểm mua sắm"- ĐB Tuyết hỏi.
Trả lời câu chất vấn trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm được TP chú trọng ngay từ thời điểm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Thời gian qua, địa bàn ghi nhận các phản ánh về rau không sạch, không đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap nhưng vẫn dán nhãn để vào hệ thống phân phối.
Ông thừa nhận, thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân người cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng quy định, cơ quan quản lý cũng chưa kiểm tra, giám sát kịp thời.
TP đã đưa ra giải pháp chấn chỉnh, yêu cầu các kênh phân phối vào cuộc, kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong chọn đối tác, giám sát quy trình sản xuất cho đến khâu phân phối. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cũng tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, chợ truyền thống cùng các kênh phân phối khác.
"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thường xuyên làm việc, nhắc nhở các chuỗi hệ thống phân phối. Cùng đó, chúng ta cũng cần các quy định về tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc từ việc sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Hiện nay, chúng ta chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc" - ông Vũ cho hay.