Chiều 27-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho hay mặt hàng điều hoà nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Theo ĐB, trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ nhưng nay cùng với sự phát triển của xã hội thì nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong nâng cao năng suất lao động trí óc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta đang định hướng phát triển kinh tế tri thức. “Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh thuế TTĐB với điều hoà nhiệt độ” - ĐB cho hay.
Cũng theo ĐB, các nước khác kiểm soát điều hoà theo hai khía cạnh, một là kiểm soát dung môi làm lạnh và hai là mức tiêu thụ điện năng.
Hiện nay, Việt Nam đã có quy định kiểm soát dung môi làm lạnh, theo hướng giảm hạn ngạch nhập khẩu các dung môi làm lạnh gây tác động tiêu cực đến tầng ozone và gây hiệu ứng nhà kính. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, do hạn ngạch nhập khẩu giảm nên chi phí mua dung môi làm lạnh tăng liên tục trong các năm qua, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15-20%.
Việt Nam cũng có quy định về hiệu suất năng lượng đối với điều hoà nhiệt độ và ngày càng theo hướng tăng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Do đó, ĐB cho rằng thuế TTĐB đối với điều hòa là không còn cần thiết và cần được bãi bỏ.
Đối với mặt hàng xăng, ĐB Hà Sỹ Đồng cho biết có nhiều nước đánh thuế mặt hàng xăng nhưng thường thì chỉ đánh một loại thuế TTĐB hoặc thuế bảo vệ môi trường. “Tôi không tìm được nước nào vừa đánh thuế TTĐB, vừa đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng như Việt Nam” - ĐB nói.
Cũng theo ông, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường.
Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.