Sau khi cháu Lê Hoàng Long được cho là “bị bỏ quên” trên xe đưa đón của Trường Gateway dẫn đến tử vong, một đại biểu HĐND TP Hà Nội đã trăn trở về những quy định “an toàn trường học”. Bà đề xuất một đạo luật có thể mang tên Lê Hoàng Long, làm cơ sở cho việc triển khai những giải pháp toàn diện về “an toàn trường học” trên cả nước. Bà là đại biểu HĐND Đỗ Thùy Dương.
Không gì thay thế được sự tận tâm
. Phóng viên: Theo bà, liệu đây có phải là hệ quả của những quy định mà bà gọi là “an toàn trường học” còn lỏng lẻo?
+ Bà Đỗ Thùy Dương: Chúng ta đều hiểu rằng mọi quy định dù có chặt chẽ tới mức nào thì rủi ro vẫn có thể xảy tới. Những vụ mà người nhà “bỏ quên trẻ em” trong xe hơi ở đâu đó mà báo chí nêu thì chỉ cá nhân chịu trách nhiệm. Còn trong trường hợp cháu học sinh thì có ít nhất bốn mắt xích là lái xe, cô trông trẻ theo xe (monitor), giáo viên chủ nhiệm, cô hành chính phụ trách liên lạc với phụ huynh. Cả bốn “mắt xích” này đều lỗi vào cùng một thời điểm, mang tính hệ thống, hay đúng hơn là không có hệ thống gì trong cách tổ chức hoạt động đưa đón của Trường Gateway.
Đương nhiên, không có văn bản pháp luật nào có thể thay thế được sự tận tâm, trách nhiệm của người thừa hành cũng như tư duy, hệ thống và cách thức quản trị của người điều hành. Tôi vẫn cho rằng tính minh bạch và tinh thần tuân thủ nghiêm túc trong giải thích và thực thi pháp luật là nền tảng quan trọng của vận hành xã hội, có một ngàn điều luật mà việc thực thi không nghiêm thì cũng không bằng có một số điều chủ chốt nhưng được tuân thủ chặt chẽ.
. Pháp luật về vấn đề này từ xưa tới nay hình như chưa có, hoặc có mà chưa đầy đủ hoặc chưa đủ mạnh?
+ Từ năm 2007, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định 4458 do nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (khi đó còn là thứ trưởng) ký về an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích. Quyết định này có đề cập đến an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, y tế học đường, bạo lực, cháy nổ… Cuộc sống thay đổi rất nhanh nên những nội dung được đề cập đến trong quyết định này về cơ bản là quá đơn giản so với thực tế cuộc sống.
Quyết định ấy chỉ mang tính hướng dẫn, các nhà trường, đặc biệt là trường tư, chủ động thiết kế quy trình vận hành của mình.
Bà Đỗ Thùy Dương, đại biểu HĐND TP Hà Nội. Ảnh: NVCC
Khó cũng phải làm
. Thưa bà, tôi thấy “school bus” như ở Mỹ có những “đặc quyền” rất lớn có thể bảo vệ được học sinh khỏi nhiều rủi ro. Liệu Hà Nội và cả nước có thể làm được như vậy?
+ Bên lề các cuộc họp HĐND TP Hà Nội, tôi thường hỏi ý kiến các anh lãnh đạo chủ tịch các phường, quận, rồi Sở GTVT xem đơn vị xe buýt chuyên nghiệp của Hà Nội có thể có một hệ thống phân luồng hoặc một doanh nghiệp tập trung làm nhiệm vụ đưa đón học sinh toàn TP để giảm thiểu ách tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, cũng như an toàn cho trẻ hay không.
Ý tưởng của tôi đương nhiên là có vẻ thú vị nhưng bất khả thi vì chưa có những quy định và hệ thống chưa đủ “thông minh” để có thể quản trị được mạng lưới học sinh đi lại như mạng nhện trên địa bàn TP.
Tất nhiên, khó thì cũng phải làm, trước mắt cứ tập trung vào những việc đơn giản và khả thi.
. Chẳng hạn những việc gì, thưa bà?
+ Ví dụ, cần minh định quan hệ pháp lý giữa công ty vận tải, nhà trường, phụ huynh, cô trông trẻ. Ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới, dựa trên cơ sở nào, trong trường hợp nào. Ví dụ, khi dừng, đỗ mà có tai nạn do trẻ bị xe bên ngoài va quẹt, hoặc xe chở trẻ em lại va quẹt vào người khác, hoặc… vô vàn các tình huống phát sinh.
Hay thiết lập quy trình vận hành hoạt động chuyên chở học sinh. Ai nhận, ai ký, kiểm đếm, nhận diện, chỗ nào phải có camera, hành trình nào phải tuân thủ… Quy định chất lượng của chiếc xe chuyên chở học sinh, các thiết bị phòng, chống rủi ro như búa phá kính, chuông báo động khi còn người trong xe đã dừng mà đóng cửa… Quy định về trình độ, và quan trọng hơn là thái độ, hành vi, thói quen sống của tài xế, khả năng chịu áp lực khi lái xe và khả năng kiểm soát điều chỉnh cảm xúc…
Luật của trái tim mới là luật cao nhất
. Tôi gọi ý tưởng có một đạo luật mang tên Lê Hoàng Long về an toàn trường học là một “sáng kiến lập pháp”. Nhưng bà chỉ là đại biểu HĐND, bà sẽ thúc đẩy “sáng kiến lập pháp” này như thế nào?
+ Tôi coi đây là một kiến nghị về luật chứ không phải là một sáng kiến lập pháp, bởi cá nhân tôi không có đủ thẩm quyền lẫn năng lực để xây dựng một dự án luật trình Quốc hội. Ở cương vị mình, tôi có trách nhiệm phải nói lên kỳ vọng và mong đợi của người dân mà tôi đại diện.
Việc có một luật như vậy là cần thiết và là thực tiễn tốt đang được triển khai tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Quan trọng nhất là nó đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đời sống của Việt Nam.
. Dù vậy, tôi thấy đây là một kiến nghị thời sự, tốt lành cho tương lai học sinh. Bà sẽ đưa kiến nghị lên cấp cao hơn chứ?
+ Tôi có điều kiện tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội có cùng mối quan tâm tới giáo dục, trẻ em, y tế và sức khỏe. Nói đúng hơn, tôi tin tất cả đại biểu Quốc hội đều quan tâm tới an toàn của tương lai Việt Nam, tôi sẽ cố gắng thu xếp để các ý tưởng được viết thành một đề xuất sơ bộ gửi tới các đại biểu Quốc hội và theo đuổi nó theo cách của mình.
“Tôi luôn cho rằng: Luật là tối thiểu, phạm luật là đã thành tội phạm, đạo đức là mức cao hơn của luật, trái tim con người thực thi là mức cao nhất cho mọi hành động. Vậy nên việc tiếng nói của tôi chạm tới trái tim mọi người thì tôi tin rằng con đường này sẽ có người tiếp sức”.
. Xin cám ơn bà.