Đại biểu HĐND 'truy' Sở Tài chính vì hàng trăm ngàn người chưa nhận hỗ trợ

Ngày 25-3, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM đã dẫn đầu đoàn giám sát của HĐND TP đối với quận Bình Tân về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Hơn 300.000 người chưa nhận hỗ trợ đợt 3

Tại buổi giám sát, UBND quận Bình Tân cho biết quận đã triển khai ba đợt hỗ trợ theo chỉ đạo của TP, đến nay đã chi được hơn 716 tỉ đồng. Trong đó, đã hoàn thành chi hỗ trợ hai đợt cho hơn 246.700 lượt người với số tiền gần 371 tỉ đồng.

Toàn cảnh buổi giám sát tại quận Bình Tân về gói hỗ trợ đợt 3. Ảnh: HẰNG LÊ

Riêng gói hỗ trợ đợt 3, quận Bình Tân đã chi hỗ trợ cho hơn 478.000 người, đạt tỉ lệ 60,7%/tổng số người đã duyệt là hơn 786.500 người.

UBND quận Bình Tân cho biết hiện địa phương vẫn đang chờ kinh phí TP phân bổ về để cấp phát cho những trường hợp còn lại chưa được nhận.

UBND quận Bình Tân cũng nhìn nhận trong đợt dịch vừa qua, quận cũng đối mặt với không ít khó khăn khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Theo đó, quận có dân số đông, nhiều công nhân và người lao động tự do nghèo ở trọ bị nhiễm bệnh; nhiều hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có khả năng tái nghèo.

Trong quá trình thực hiện chính sách còn nhiều lúng túng, việc tuyên truyền còn hạn chế khiến nhiều người dân chưa hiểu đối tượng được trợ cấp nên tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự. Chưa kể, ban đầu một số trường hợp chưa khó khăn, chưa cần hỗ trợ nhưng khi thời gian giãn cách kéo dài, số hộ khó khăn đã tăng lên.

UBND quận Bình Tân cũng kiến nghị TP.HCM sớm phân bổ kinh phí còn lại để hỗ trợ cho người dân thật sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thuộc gói hỗ trợ số 3.

Sở Tài chính: Cần nghiên cứu việc tiếp tục chi hỗ trợ

Dưới sự chủ trì của ông Cao Thanh Bình, các sở, ngành có liên quan đã phân tích lý do chưa hoàn thiện kinh phí hỗ trợ cho các quận, huyện theo danh sách được duyệt, trong đó có quận Bình Tân.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đồng thuận với con số chỉ mới trên 60% người dân quận Bình Tân nhận được hỗ trợ trong đợt 3. Theo Sở LĐ-TB&XH TP, Sở đã phối hợp với 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tổng hợp số liệu, thống kê tiền còn thiếu và hai lần đề nghị Sở Tài chính bổ sung, lần thứ nhất là vào tháng 1-2022 với số tiền bổ sung 1.800 tỉ đồng và lần thứ hai là vào ngày 7-3 đề nghị bổ sung 1.300 tỉ đồng. Hiện nay Sở Tài chính đang rà soát.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP khẳng định Sở này chỉ có nghĩa vụ tổng hợp kinh phí còn thiếu của các quận và gửi Sở Tài chính bổ sung kinh phí, hoàn tất các đợt chi cho ba nhóm đối tượng. “Sở đã làm việc nhiều lần với Sở Tài chính nhưng đến nay chưa cấp bổ sung. Do đó các quận đều vướng kinh phí, nói nôm na là hết tiền vì chưa bổ sung kinh phí thêm” – đại diện Sở LĐ-TB&XH TP nói.

Về phía Sở Tài chính, đại diện Sở này cho biết liên quan đến gói gỗ trợ đợt 3, căn cứ báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP tháng 11-2021, Sở Tài chính đã cân đối ngân sách và báo cáo UBND TP ra quyết định bổ sung kinh phí cho các quận, huyện, trong đó có quận Bình Tân.

Sau đó về việc tiếp tục bổ sung kinh phí thì Sở Tài chính cũng đã báo cáo thường trực UBND TP.

Theo Sở Tài chính, chủ trương của chính sách hỗ trợ là cho người dân thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài. Do đó, quan điểm của Sở là báo cáo UBND TP để chỉ đạo, đồng thời nghiên cứu hiệu quả của việc chi hỗ trợ và việc tiếp tục chi hỗ trợ trong điều kiện tình hình TP đã cơ bản đi vào ổn định.

Lý giải sâu hơn, đại diện Sở Tài chính cho hay ngân sách TP hiện nay phải cân đối để chi cho đối tượng đặc thù cũ, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ cần phải chi khác trong năm. Đến nay, 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã chi hơn 10.600 tỉ đồng kinh phí phòng chống dịch và hỗ trợ người dân; chiếm khoảng hơn 45% so với tổng chi thường xuyên của ngân sách năm 2021.

Khó khăn ở đây là các nguồn chi quy định chỉ được sử dụng cho một số nội dung chi, ví dụ nguồn dự trữ tài chính của TP chỉ có thể chi tối đa 70%.... Do đó, Sở Tài chính luôn phải cân đối ngân sách và đề nghị các sở ngành khi đề xuất bổ sung dự toán phải rà soát chặt chẽ đảm bảo nguồn ngân sách cân đối được.

'Nếu không chi thì có công bằng không?'

Sau khi nghe trả lời của hai sở có liên quan, ông Cao Thanh Bình nhìn nhận việc lập danh sách và được phê duyệt ngay giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM, chủ trì buổi giám sát. Ảnh: HẰNG LÊ

“Đến giờ này nếu không chi cho những trường hợp đó thì so với trường hợp trước đó đã nhận thì có công bằng không? Nghị quyết của HĐND TP là nghị quyết quy phạm pháp luật, không có điều khoản nào nói về đặc cách và tại thời điểm lập danh sách của quận Bình Tân thì tất cả đối tượng thuộc danh sách đều được chi” – ông Bình khẳng định và cho rằng Sở Tài chính nói chưa ổn.

Theo ông Bình, không thể nói với dân rằng bây giờ hết khó khăn rồi không tiếp tục chi. Ông Bình cho biết khi HĐND TP quyết định ban hành nghị quyết chi hỗ trợ lần thứ 3, UBND TP khẳng định đảm bảo nguồn kinh phí và tất cả đối tượng sẽ được chi. Đến giờ này, số tiền chưa vượt khung ngân sách của HĐND TP. “Nghị định 163/2016 hướng dẫn về Luật Ngân sách nhà nước, khi ban hành Nghị quyết mà nguồn kinh phí không đảm bảo thì người ban hành đó vi phạm pháp luật” – ông Bình khẳng định.

 “Khi rà lại thấy các nguồn kinh phí đều đủ mà tại sao lại không rót về cho địa phương?” - ông Bình tiếp lời và cho biết quận Bình Tân đang rất áp lực, lãnh đạo các phường không dám ra đường gặp dân vì chưa chi được hỗ trợ.

Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình đề nghị ngành tài chính cần suy nghĩ, tham mưu UBND TP ngay lập tức.

Ưu tiên ai khó khăn nhất thì giải quyết trước

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM, nhìn nhận trước bối cảnh kinh phí hạn hẹp, quận Bình Tân cần có chiến lược thích ứng phù hợp.

Theo ông Nhựt, trong số trên 300.000 trường hợp còn lại chưa nhận được hỗ trợ, quận Bình Tân cần rà soát lại danh sách này để có sự sắp xếp theo ưu tiên, ai khó khăn nhất thì giải quyết trước. Sau đó, khi TP rót phần kinh phí còn lại thì tiếp tục giải quyết theo thứ tự. Bởi vì hậu COVID-19 cũng ảnh hưởng đến nhóm người yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, thông tin dù số người dân chưa nhận hỗ trợ là khá lớn nhưng giai đoạn này một số trường hợp đi làm lại đã đỡ khó khăn hơn. Bà Dung khẳng định các trường hợp này đều buộc phải chi nhưng trước mắt quận sẽ rà soát trường hợp nào có điều kiện hơn thì vận động chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới