Đại biểu kỳ vọng giải quyết được sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng

(PLO)- Các đại biểu cho rằng việc cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng vẫn thường xuyên diễn ra ở một số ngân hàng và làm tăng rủi ro cho hệ thống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-1, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là dự luật có nhiều điểm quan trọng, nhiều đại biểu (ĐB) QH có ý kiến trong các kỳ họp trước nhưng chưa thống nhất được.

Tỉ lệ sở hữu không phải là nguyên nhân dẫn đến “sở hữu chéo”

ĐB Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) cũng như nhiều ĐB khác nêu ý kiến về giới hạn tỉ lệ sở hữu tại Điều 63 của dự luật có mục đích “được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo”, cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng.

p3-vo-manh-son.jpg
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) tại phiên thảo luận chiều 15-1. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông, tỉ lệ sở hữu tối đa ở mức 5%, 15% và 20% hiện nay tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro cho hệ thống. Dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7-2023, ông Sơn nói tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra ở một số ngân hàng. Tỉ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng.

“Tỉ lệ sở hữu cao dẫn đến xung đột lợi ích khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào trong một số khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó gây mất an toàn cho ngân hàng” - ông Sơn nói.

Ông cũng đề nghị giữ nguyên tỉ lệ sở hữu, quy định chặt chẽ hơn thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan đến cổ đông lớn và không áp dụng hồi tố với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực.

ĐB Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cũng đánh giá việc khống chế tỉ lệ sở hữu không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa kể còn có thể ngăn cản dòng vốn FDI chảy vào hệ thống ngân hàng nội.

Từ các sai phạm trong ngành ngân hàng, tương tự như vụ SCB vừa qua, bà An cho rằng cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan cổ đông, có hệ thống giám sát chéo. Đồng thời, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

p3-pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tại phiên thảo luận chiều 15-1. Ảnh: PHẠM THẮNG

Can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt phải thế nào?

Nhiều ĐB đề cập đến biện pháp can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) khi xảy ra những vấn đề như lỗ, rút tiền hàng loạt, thanh khoản kém…

ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), Chủ tịch HĐTV Agribank, đồng ý với ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) về việc khi phát hiện một TCTD có vấn đề thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cần gửi văn bản đề nghị thực hiện các yêu cầu để khắc phục, để TCTD đó quay lại hoạt động bình thường cùng thời hạn cụ thể.

Chính tâm lý người gửi tiền rút tiền từ ngân hàng này gửi vào ngân hàng khác đã khiến một tổ chức tín dụng yếu kém cũng có thể tăng trưởng tín dụng.

Khi hết thời hạn mà TCTD đó đã khắc phục được thì các yêu cầu đó cũng chấm dứt. Nếu quy định như dự thảo là phải có văn bản can thiệp sớm và văn bản chấm dứt can thiệp sớm thì có khi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến TCTD. Theo ông Ấn, pháp luật các nước cũng không coi can thiệp sớm là một giai đoạn xử lý mà là một cơ chế để các TCTD giải quyết vấn đề.

“Nếu trong trường hợp can thiệp sớm mà doanh nghiệp, TCTD đi vào rủi ro hơn thì khi đó sẽ là quyết định về kiểm soát đặc biệt và nó trở thành một quyết định chính thức” - ông Ấn nói.

Ở góc độ vĩ mô hơn, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định với việc hạn chế tăng trưởng tín dụng, thời gian qua có những ngân hàng thậm chí phải kiểm soát đặc biệt mà lại tăng trưởng tín dụng.

“Tại sao tăng trưởng tín dụng nhiều? Huy động cao nhất tất cả ngân hàng khác cho nên ai cũng ùn ùn đi rút tiền ngân hàng này đưa vào ngân hàng đó để có lãi suất cao” - ĐB Hòa nói và phân tích thêm tâm lý của người gửi tiền đã khiến một TCTD yếu kém cũng có thể tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, chính TCTD đó đã bị NHNN kiểm soát đặc biệt nhưng người dân không biết, khách hàng không biết. Vì vậy, ĐB Hòa đề nghị cần kết hợp cả việc kiểm soát đặc biệt với hạn chế tăng trưởng tín dụng với các TCTD có vấn đề...

Không cấm ngân hàng làm bảo hiểm

Tại phiên họp, nhiều ĐB cũng nêu những tồn tại của bảo hiểm nhân thọ và đề nghị chấm dứt liên kết ngân hàng - bảo hiểm.

ĐB Phạm Đức Ấn cho rằng việc liên kết này các đại lý bảo hiểm của ngân hàng quốc tế đều làm. Ủy ban Thường vụ QH cũng giải trình việc này sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm và phù hợp với quy định của thống đốc NHNN.

“Chúng ta không nên vì những chuyện nọ chuyện kia rồi cấm mà cần phải có cơ chế để giám sát” - ĐB Ấn nói.

Ủy ban Thường vụ QH cũng đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật theo hướng này. Theo đó, khoản 2 Điều 113 của dự luật quy định ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của thống đốc NHNN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm