Can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng được tính toán ra sao?

(PLO)- Hai vấn đề nổi lên ở dự Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là “can thiệp sớm tổ chức tín dụng và kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-1, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội (QH) thảo luận về dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là dự luật có nhiều điểm quan trọng, nhiều đại biểu (ĐB) QH có ý kiến trong các kỳ họp trước nhưng chưa thống nhất được.

Tránh phát hiện ra thì… đã muộn

Giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay: Có ý kiến cho rằng việc can thiệp sớm cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỉ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không quá dài.

Ý kiến khác thống nhất việc kết hợp lỗ lũy kế với chỉ tiêu vi phạm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu; đề nghị trao quyền quyết định cho NHNN xem xét áp dụng can thiệp sớm trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp cụ thể.

"Trong đó có trường hợp “số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” - ông Thanh trình bày báo cáo.

Can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng được tính toán ra sao?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH. Ảnh: ND

Cũng theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện TCTD không đáp ứng được những yêu cầu, quy định của NHNN thì phải đề xuất kiểm tra, thanh tra và giám sát, thậm chí là kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD này.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ đã chỉnh lý, bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng. Điều này nhằm tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn.

Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp, bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của TCTD, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, chủ sở hữu TCTD ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ Nhà nước trong giai đoạn này.

Ngoài ra, còn có ý kiến đề nghị có cơ chế tạo điều kiện cho TCTD khác, các cá nhân, các tổ chức hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn sao cho hiệu quả, có ý nghĩa.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đề xuất đối với TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ thì cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ về cơ chế (trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính, thoái lãi dự thu theo lộ trình). Đồng thời bổ sung hai biện pháp áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân.

Nguyên nhân là do nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ TCTD mà không có biện pháp hỗ trợ khác thì phương án khắc phục TCTD khó khả thi, không đem lại hiệu quả phục hồi TCTD.

Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý theo ý kiến của ĐBQH gắn việc này với thẩm quyền của Chính phủ.

Giao trách nhiệm kiểm soát đặc biệt cho NHNN

Về kiểm soát đặc biệt TCTD, theo Ủy ban Thường vụ QH, có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện ngay và kịp thời việc kiểm soát đặc biệt TCTD. Có ý kiến đề nghị quy định đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt trường hợp số lũy kế của TCTD lớn hơn 50% vốn điều lệ của TCTD đó.

Ý kiến khác cho rằng giao trách nhiệm cho NHNN xác định tại thời điểm áp dụng kiểm soát đặc biệt, đề nghị quy định rõ trường hợp nào phải kiểm soát đặc biệt và trường hợp NHNN xét thấy TCTD được can thiệp sớm mà không có khả năng phục hồi thì đưa vào kiểm soát đặc biệt.

Có ý kiến đề nghị giao cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc NHNN thực hiện những giải pháp đặc biệt ngoài tiền lệ với mục đích bảo đảm an toàn hệ thống.

bat-thuong-5.jpg
Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ xem xét thông qua hai luật quan trọng, trong đó có Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: ND

Chính phủ cũng có đề xuất về vấn đề này và Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp.

Cụ thể, đã can thiệp sớm mà không khắc phục được, đã can thiệp sớm mà không có phương án khắc phục hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN; hoặc các TCTD được can thiệp sớm nhưng không có khả năng thực hiện phương án khắc phục, hết thời hạn mà không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm.

Trường hợp bị rút tiền hàng loạt có khả năng gây mất an toàn hệ thống cũng bị kiểm soát đặc biệt…

Để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các TCTD hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.

Về phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất bổ sung phương án phục hồi và phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của TCTD được kiểm soát đặc biệt vào dự thảo Luật.

Việc này nhằm tạo điều kiện cho TCTD được kiểm soát đặc biệt có cơ hội phục hồi, vì có thể xuất hiện nhà đầu tư mới hoặc nỗ lực của TCTD sẽ thay đổi được tình trạng của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu và chỉnh lý, bổ sung quy định trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm