Ngư dân đưa cá từ tàu thuyền lên bờ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ngư dân Nam Định quyết tâm làm giàu từ biển

(PLO)- Với đường bờ biển dài 72 km, bốn con sông lớn và nguồn lợi thủy sản dồi dào, Nam Định đang phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển nhờ hàng loạt quyết sách từ Trung ương và địa phương.

Bà Vũ Thị Mai, Phó Trưởng phòng NN&MT huyện Giao Thủy, cho biết nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi thâm canh tập trung theo hướng trang trại. Năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn huyện ước tính đạt 72.900 tấn, chủ yếu từ nuôi nghêu, tôm thẻ chân trắng và cá nước ngọt.

Những bước đi tiên phong

Ông Cao Văn Ba, ngư dân xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định, là một trong những người tiên phong đưa công nghệ cao vào nuôi tôm trên địa bàn huyện. Trước đây, ông Ba từng gặp không ít khó khăn với mô hình nuôi tôm truyền thống, nhỏ lẻ, thu nhập thấp và luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá” phụ thuộc vào sự biến động của thị trường.

Tuy nhiên, với quyết tâm đổi mới, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào mô hình nuôi tôm quy mô lớn hơn, với diện tích 5 ha, áp dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt nhằm giảm thiểu rủi ro do thời tiết và các yếu tố ngoại cảnh.

Theo ông Ba, phương pháp nuôi tôm trong nhà bạt giúp ông chủ động hơn trong việc quản lý môi trường nuôi, từ đó có thể thâm canh và thu hoạch đúng thời điểm. Điều này giúp ông tránh được tình trạng “được mùa, rớt giá” mà trước đây thường xuyên gặp phải.

Ngư dân Nam Định .JPG
Ngư dân đưa cá từ tàu thuyền lên bờ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Nhờ ứng dụng công nghệ cao, mỗi vụ thu hoạch, tôi thu được 20-25 tấn tôm, mang về doanh thu 5-6 tỉ đồng/năm. Không chỉ vậy, mô hình của tôi còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng”
- ông Ba nói.

Cũng tại huyện Giao Thủy, ông Đỗ Văn Khương, ngư dân ở Giao Thịnh, đã mở rộng nuôi lồng trên sông Hồng, đạt sản lượng cá thịt lên tới 200 tấn/năm và sản xuất khoảng 20 triệu con cá giống. Mô hình này không chỉ giúp ông Khương thu về hàng tỉ đồng mỗi năm mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nam Định, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Nam Định đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ về quy mô diện tích mà còn cả sản lượng.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ thâm canh và bán thâm canh. Đồng thời, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được áp dụng, nâng cao giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm thủy sản.

P1011_Chan trang_h1.JPG
Toàn cảnh vùng nuôi trồng thủy sản huyện Giao Thủy, Nam Định

12.000 tỉ là tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2024 của tỉnh Nam Định. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản năm 2024 toàn tỉnh Nam Định ước tính đạt 202.580 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 141.434 tấn. Kết quả này đã và đang tạo nên những cú hích phát triển kinh tế biển Nam Định mạnh mẽ, bền vững.

Cụ thể, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hiện đạt 9.000 ha với sản lượng 69.704 tấn. Diện tích nuôi thủy sản nước lợ, như tôm thẻ chân trắng và tôm nuôi công nghệ cao, đã đạt 6.045 ha, sản lượng ước tính đạt 71.730 tấn. Bên cạnh đó, sản lượng giống thủy sản các loại sản xuất được ước tính đạt 17.522 triệu con, tăng 4,9% so với năm trước.

“Sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản ở các vùng ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy liên tục tăng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế biển bền vững” - ông Hà nói.

a6-6.JPG
Ngư dân vui mừng sau chuyến ra khơi
A5-.JPG
Tàu cá neo đậu ở Cảng cá Ninh Cơ nhìn từ trên cao.

Kỳ vọng nâng cao giá trị thủy sản

Anh Mai Công Trình, chủ tàu cá NĐ 95368 (ngụ huyện Hải Hậu, Nam Định), cho hay tàu của anh hoạt động chủ yếu tại vùng biển Côn Đảo và Côn Sơn (Vũng Tàu), vừa đánh bắt hải sản vừa thu mua, cung cấp vật tư trên biển.

“Tàu của tôi tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng” - anh Trình nói. Tuy nhiên, theo anh Trình, sản lượng thủy sản khai thác đang ngày càng giảm sút, trong khi giá trị sau đánh bắt lại không cao khiến hoạt động vươn khơi trở nên bấp bênh.

Ngư dân Nam Định
Ngư dân thu hoạch nghêu, tôm. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Để ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biên giới, rất cần cơ quan chức năng sớm thúc đẩy việc gỡ thẻ vàng IUU. Nếu được gỡ thẻ, giá trị hải sản Việt Nam có thể tăng 30%-50%, mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu thay vì chỉ tiêu thụ nội địa như hiện nay” - anh Trình kỳ vọng.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Phong, chủ tàu cá NĐ 93187 (huyện Giao Thủy), nhấn mạnh việc tuân thủ quy định pháp luật như giấy phép khai thác, đăng kiểm tàu, an toàn thực phẩm, thiết bị giám sát hành trình, nhật ký khai thác… là điều kiện tiên quyết để Việt Nam sớm gỡ thẻ vàng IUU.

“Nếu được gỡ thẻ vàng, thu nhập của lao động trên tàu có thể tăng lên 15-20 triệu đồng/tháng, thay vì chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng như hiện nay” - anh Phong bày tỏ.•

Ông TRẦN ANH DŨNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định:

Để phát triển kinh tế biển, cần hành động quyết liệt hơn

Trong thời gian tới, tôi sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan cần hành động quyết liệt hơn trong việc truyền thông chính sách đến cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát khai thác trái phép, bảo vệ môi trường sống của thủy sản và thúc đẩy các mô hình nuôi trồng bền vững. Nam Định sẽ tiếp tục phát huy lợi thế vùng biển, xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành động lực phát triển với tốc độ nhanh, ổn định và bền vững.

P1011_Chinh_h3_TRAN ANH DUNG.JPG
Ông TRẦN ANH DŨNG

Ông NGUYỄN XUÂN TỚI, Trạm trưởng Trạm thủy sản liên vùng - Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nam Định:

Kiên quyết không để tàu thiếu thủ tục giấy tờ vươn khơi

Hướng đến mục tiêu cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng, nâng cao giá trị thủy sản, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường truyền thông qua các phương tiện đại chúng, tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Thủy sản và các quy định về chống khai thác IUU đến từng ngư dân, chủ tàu, tổ chức liên quan.

P1011_Chinh_h4_NGUYEN XUAN TOI.jpeg
Ông NGUYỄN XUÂN TỚI

Địa phương cũng sẽ phối hợp chặt với cấp xã để làm việc trực tiếp với các chủ tàu để gỡ khó khăn về mặt giấy tờ, đồng thời xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên sáu tháng.

Với các tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU, cơ quan chức năng sẽ chủ động gặp gỡ, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác theo quy định. Chúng tôi kiên quyết không để tàu thiếu thủ tục, trang thiết bị vươn khơi.

ĐẶNG TRUNG ghi

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến tỉnh Nam Định

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân tỉnh Nam Định với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Ngày 16-4, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đến với tỉnh Nam Định, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Nam Định là địa phương có biển thứ 21 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

P1011_Chan trang_h3.JPG
Ngư dân Nam Định ngày càng ý thức hơn rằng việc đánh bắt thủy sản hợp pháp sẽ giúp gia tăng giá trị thủy sản.

Chương trình có sự tham sự của lãnh đạo báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Nam Định, các đại diện từ các nhà tài trợ, các PV, biên tập viên, đại diện nhiều cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương đến đưa tin. Tại chương trình, Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ thăm hỏi, động viên và trao tặng 100 phần quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hai huyện Giao Thủy và Hải hậu, tỉnh Nam Định. Mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng, bao gồm: Cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, bình ắc quy, đèn LED, combo pin, các loại thuốc cần thiết. Bên cạnh đó, Ban tổ chức trao tặng 15 suất học bổng (mỗi suất gồm 2 triệu đồng, một bộ dụng cụ học tập và một ba lô) cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

LỜI CẢM ƠN

Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:

Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (PINACO).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tập đoàn Vingroup - Công ty CP.

Công ty CP Dược phẩm TV.Pharm.

Công ty CP Acecook Việt Nam.

Đọc thêm