Đó là lo ngại của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước việc tư nhân quản lý các bờ biển và có khả năng sẽ xảy ra ở các đặc khu sắp tới như Phú Quốc tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ngày 5-6.
Dự án Trung tâm điện lực Vĩnh Tân và Formosa cũng là những vấn đề nóng các ĐBQH đề nghị lãnh đạo ngành TN&MT có ý kiến.
Khách du lịch tắm biển tại một khu resort ở Phú Quốc. Ảnh: HTD
Vừa sai luật, vừa bất công với dân
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) sau khi hoan nghênh Đà Nẵng chủ động rà soát bờ biển đã bày tỏ: “Tôi đề nghị Chính phủ ra quy định rà soát toàn bộ bờ sông, bờ biển của Việt Nam, trả bờ sông, bờ biển về cho đất nước và cho công chúng, không để các nhà đầu tư chiếm hẳn các bờ sông, bờ biển như vậy vì điều đó vừa sai luật, vừa bất công với người dân”.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn: “Tôi nghe Bộ trưởng trả lời rằng bãi biển, bờ biển thì dân có quyền tự do đi tắm, tuy nhiên sự việc không đơn giản. Người dân muốn xuống tắm nhưng tư nhân người ta quản lý hết rồi, thậm chí chắn rào để không cho xuống. Sắp tới Bộ trưởng tính như thế nào để thu hồi đất cho người dân?”. Ông lo ngại trong tương lai gần, tại các đặc khu kinh tế, cụ thể như Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng như thế này.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng những quy định quản lý hành lang bờ biển, bờ sông đã được “thể chế hóa” bằng Luật Tài nguyên nước. “Luật Tài nguyên môi trường biển đã quy định ranh giới cần bảo vệ thì có thể sử dụng các mục đích công cộng. Tôi cho rằng không cần quy định thêm mà chỉ cần kỷ cương, kỷ luật và việc thực hiện thật tốt, đưa luật này vào cuộc sống” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
“Tại sao tôi nhấn mạnh Đà Nẵng, Đà Nẵng làm được vì Đà Nẵng đã dựa trên pháp luật để Đà Nẵng làm, chứ không phải không có pháp luật” - Bộ trưởng Hà phát biểu và cho hay sẽ rà soát, xem xét thêm liệu Đà Nẵng có vướng mắc gì không.
Về việc tư nhân hóa các vùng bờ biển, Bộ trưởng Hà cho rằng như vậy là không đúng quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường và thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước theo từng cấp.
Theo ông, cần xem xét kỹ, có sự đồng thuận của những nhà đầu tư đã được chấp nhận và giải quyết yêu cầu luật đặt ra là toàn dân có quyền được hưởng môi trường biển. “Về lối đi, tôi nghĩ diện tích không nhiều nên việc trao đổi với chính quyền địa phương rất cần thiết, đối với các dự án trước khi Luật Môi trường biển có hiệu lực” - Bộ trưởng Hà nói.
Đã yên tâm Formosa không còn sự cố?
ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đặt vấn đề về dự án Formosa. “Để không xảy ra sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua thì Bộ trưởng có tin tưởng sẽ không xảy ra một lần nữa không?” - ĐB Thưởng hỏi. Bộ trưởng Hà cho rằng Formosa đã được cho hoạt động và đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý.
Bộ TN&MT đã yêu cầu Formosa đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công suất lớn hơn rất nhiều. “Với cách làm bài bản từ khâu xem xét, đánh giá công nghệ đến khâu giám sát, kiểm tra và yêu cầu chặt chẽ thì không có ngành nghề nào có thể để xảy ra ô nhiễm nếu chúng ta làm tốt. Với Formosa, tôi xin báo cáo như vậy để ĐB yên tâm” - Bộ trưởng Hà nói.
Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Hà, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng Formosa gây thiệt hại về môi trường biển rất lớn, đã phải đền bù đến 500 triệu USD. “Khi điều tra nguyên nhân và phát hiện ra có 53 điều thiếu sót, qua thời gian dài đã khắc phục được 52 điều, còn điều thứ 53 rất quan trọng là sử dụng công nghệ luyện cốc ướt đang dùng hiện nay.
Khi quyết định đầu tư là luyện cốc khô, vậy ai chịu trách nhiệm cho việc thay đổi kỹ thuật lớn như vậy, khi nào sẽ chuyển lại làm theo công nghệ đã xin đầu tư?” - ĐB Thắng đặt câu hỏi. Vì hết giờ nên câu hỏi của ĐB Thắng được trả lời sau bằng văn bản.
Trong phần đúc kết phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ TN&MT có biện pháp quản lý để “hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản; rà soát quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí; chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương quản lý đất ven sông, ven biển...”.
Quy hoạch bất cập, không có chỗ cho dân xuống biển Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập. Có thể kể đến là công tác quy hoạch, xây dựng chưa quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân, khu du lịch không có chỗ xuống bãi biển cho người dân, thiếu các không gian công cộng, không gian giao thông tĩnh… Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ và Bộ TN&MT sẽ ngăn chặn tình trạng mua bán đất trái phép đang diễn ra phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn… để bảo đảm trật tự xã hội. Ngoài ra sẽ kiểm tra lại tất cả dự án đầu tư ven biển, yêu cầu điều chỉnh lại dự án để dành không gian biển phù hợp với yêu cầu của người dân và đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng cho rằng cần phải “thu hồi, xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm bờ biển”. Ai trả lại thiệt thòi cho dân Thủ Thiêm? “Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc xác định giá đất bồi thường cho người dân còn thấp so với thị trường, đây là yếu tố quyết định. Những bất cập này sẽ được giải quyết như thế nào, sửa luật thì luật cũng không hồi tố được. Những vụ nóng như Thủ Thiêm và tương tự Thủ Thiêm chứng tỏ người dân đã quá thiệt thòi. Ai sẽ trả lại những thiệt thòi này cho người dân? Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết vấn đề quyền và lợi ích của người dân liên quan đến đất đai, đặc biệt là những vụ như Thủ Thiêm?”. Câu hỏi trên là của ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và Bộ trưởng Trần Hồng Hà hứa sẽ trả lời bằng văn bản. |