Ngày 6-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng hai dự án luật, trong đó có dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo đó, có nhiều ý kiến đóng góp về các quy định về tiêu chuẩn, bổ nhiệm, nhiệm kỳ… của hòa giải viên.
Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa ngày 6-3. Ảnh: NHẪN NAM
Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên cho rằng, so với dự thảo lần trước thì dự thảo lần này có thay đổi nhiều nội dung đầy đủ hơn. Như quy định về việc xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành, giao cho tòa án cấp trên giải quyết bằng một thủ tục gọn nhẹ hơn, chứ không phải như trình tự giải quyết giám đốc thẩm. Ông Thiên cho biết thống nhất, tán thành cao với quy định này.
Dự thảo quy định điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, có đối tượng là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm. Ông Thiên cho rằng quy định 10 năm chưa thực tế. Đồng thời, quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm hòa giải viên là ba năm “tôi thấy vài bữa hết rồi, ba năm nhanh lắm, nên tôi đề nghị thời gian bổ nhiệm nên là 5 năm, để người ta còn đúc kết kinh nghiệm của mình…”.
“Quốc hội thông qua luật này sẽ giảm tải rất lớn cho tòa án. Nếu tất cả các vụ án đều phải đưa ra tòa giải quyết theo trình tự sơ thẩm, kháng cáo, phúc thẩm… thì kéo dài thời gian. Mình khuyến cáo người dân nên hòa giải theo quy định của luật này là rất tốt” – ông Thiên góp ý.
Đồng tình với ý kiến của ông Thiên, ông Nguyễn Văn Vinh – Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP cũng cho rằng 10 năm kinh nghiệm đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn là dài quá.
“Theo tôi 5 năm (kinh nghiệm) thôi, chứ 10 năm đã yếu thì 20 năm cũng vẫn yếu. Nếu người đó có uy tín, có kinh nghiệm thì nói người ta nghe à. Mặt khác, theo tôi, cơ sở 10 năm kinh nghiệm mà cơ quan soạn thảo nêu ra chưa thuyết phục” – ông Vinh nêu ý kiến.
Phó Trường Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, các ý kiến của các đại biểu sẽ được ghi nhận, tổng hợp để chuyển ra kỳ họp QH. Ảnh: NHẪN NAM
Ông Trần Minh Trị - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, có tình trạng, hòa giải viên đồng thời là luật sư nên nhận làm luật sư cho một bên, sau đó lại nhận làm hòa giải viên giải quyết vụ việc đó để có lợi cho đương sự của mình.
Do đó, ông Trị cho rằng thành phần bổ nhiệm hòa giải viên không nên là luật sư. Vì nếu xảy ra hiện tượng biến tướng như trên thì tư cách hòa giải viên lúc đó không còn khách quan nữa.
Về ý kiến này, ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, nếu có hiện tượng như ông Trị nói thì luật sư đó đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp rồi. Do vậy, dự thảo luật này nên quy định thêm điều kiện ràng buộc chứ loại bỏ một giới am hiểu pháp luật để bổ nhiệm hòa giải viên thì không nên.
Theo ông Nam, luật sư đã nhận vụ việc cho một bên thì không được làm hòa giải viên cho vụ việc đó ở tòa nữa. Còn ông Vinh cho rằng hiện tượng luật sư làm hòa giải viên như ông Trị nêu là có. Nhưng, nếu luật sư tham gia làm hòa giải viên để giải thích đúng cho hai bên thì rất tốt.
Ngoài ra, ông Trần Minh Trị cũng góp ý, thời gian bổ nhiệm lại hòa giải viên là 3 năm thì lại phải có thêm bộ phận theo dõi, đánh giá hòa giải viên để làm bổ nhiệm lại. Thay vì vậy, nên bổ nhiệm vô thời hạn luôn, nhưng nếu trong thời gian làm hòa giải viên mà anh có vi phạm quy định gì đó thì miễn nhiệm luôn.
“Nên là quyết định công nhận hòa giải viên và cho thôi hòa giải viên nếu vi phạm, chứ bổ nhiệm, miễn nhiệm nghe nặng nề quá. Còn đương nhiên, là hòa giải viên thì anh phải tuân thủ quy định pháp luật” – ông Nguyễn Văn Vinh,Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP Cần Thơ góp ý thêm.