Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH TP.HCM) chủ trì hội thảo.
Cho luật sư tham gia hòa giải?
Luật sư (LS) Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn LS TP.HCM) đồng ý rằng hoạt động hòa giải, đối thoại theo dự thảo được thực hiện trước khi tòa án thụ lý theo trình tự tố tụng. Với quy định như dự thảo, bà không thấy mâu thuẫn gì với BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: YC
Về tiêu chuẩn của hòa giải viên, LS Trâm đề nghị bỏ nội dung người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ điều kiện thì có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên.
Vì đây là tiêu chuẩn rất chung chung, khó định lượng được cụ thể và cũng là kẽ hở cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên. Bởi chúng ta chưa có văn bản xác định hệ thống và giá trị pháp lý của phong tục tập quán và chưa có cách xác định thế nào là người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Đồng thời, LS Trâm đề nghị bổ sung quy định cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hòa giải, đối thoại và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của họ.
Nếu cho rằng LS tham gia hòa giải làm cho mọi việc rối lên là cái nhìn định kiến, một phía. Vì có sự tham gia của LS khiến việc hòa giải đạt kết quả tốt hơn và phù hợp với Luật LS.
LS Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP.HCM) đồng tình với LS Trâm về đề nghị bổ sung về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Thẩm phán Trần Thị Thương phát biểu. Ảnh: YC
Băn khoăn về tiêu chuẩn hòa giải viên
Thẩm phán Trần Thị Thương (TAND TP.HCM) nêu trong chín tháng thí điểm mô hình, trung tâm hòa giải đối thoại đã nhận hòa giải hơn 6.100 vụ việc, trong đó hòa giải thành 5.100 vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Để động viên khuyến khích người dân khi có những tranh chấp phát sinh không phải con đường xét xử tại tòa là con đường duy nhất mà còn nhiều biện pháp khác. Hòa giải, đối thoại tại tòa án là một mô hình rất hay.
Điều thẩm phán Thương băn khoăn là lựa chọn bổ nhiệm hòa giải viên. Bởi hòa giải viên là người chủ trì và dẫn dắt câu chuyện để những người tranh chấp tìm được điểm chung, tháo gỡ được việc tranh chấp để đi đến hòa giải thành. Ngoài chuyên môn và kỹ năng thì hòa giải viên còn phải có đạo đức, biết lắng nghe chia sẻ.
Bà thống nhất với các tiêu chí mà dự thảo đưa ra nhưng cần phải có cơ chế để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC
Đại điện VKSND TP.HCM cho rằng khoản 4 Điều 29 trong dự thảo quy định quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải phải gửi cho VKS. Thế nhưng nếu chỉ gửi quyết định thì VKS không biết được nội dung hòa giải, những người tham gia hòa giải, có ảnh đến người thứ ba hay không?
Có những trường hợp hòa giải xâm phạm đến quyền lợi của người thứ ba nhưng VKS không có hồ sơ thì rất khó để thực hiện quyền đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận hòa giải, đối thoại thành theo Điều 33 của dự thảo.
Bà Tuyết cũng băn khoăn dù kết quả hòa giải thí điểm rất cao (VD: Hải Phòng hòa giải thành trên 90%) nhưng việc giải quyết hòa giải ở tòa ti lệ thường thấp.
Về việc hòa giải đối thoại có làm kéo dài việc giải quyết vụ án hay không, bà Tuyết cho biết UBTV QH đã làm rõ thời gian hòa giải, đối thoại kéo dài không quá hai tháng.
Ba trường hợp hòa giải có thu phí Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH dự thảo luật điều chỉnh ba trường hợp sau đây phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại: - Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; - Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; - Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. |