Ngày 19-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo ông Phùng Văn Hải, Chánh tòa Dân sự TAND TP, giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải, đối thoại là xu thế phù hợp trong bối cảnh khiếu kiện ngày càng nhiều, càng phức tạp ở nhiều lĩnh vực. Qua việc hòa giải, đối thoại, các bên tự nguyện, thống nhất về một phần hay toàn bộ vụ việc dân sự thì được xem là hòa giải thành, vì vậy nên bỏ quy định về hòa giải thành một phần trong dự thảo.
Bổ sung, bà Phạm Thị Hồng Việt, Hội Luật gia TP, cho rằng nên có hướng dẫn về phần hòa giải không thành để tòa tiếp tục giải quyết. Cụ thể, trường hợp này nên hướng dẫn đương sự sẽ khởi kiện tiếp hoặc theo một thủ tục luật định khác.
Thẩm phán Hải cũng đưa ra một số vướng mắc về quy định không hòa giải, đối thoại được. Cụ thể, nếu một bên yêu cầu không tiến hành hòa giải, nộp kèm đơn khởi kiện thì phải thụ lý theo thủ tục chung, vậy điều này có ảnh hưởng đến hiệu quả của luật hòa giải, đối thoại tại tòa án không. Mặt khác, khi khởi kiện, nguyên đơn có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo BLDS thì tòa án phải xem xét trong thời hạn ba ngày. Đồng thời, tòa cũng phải xem xét thụ lý đơn khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự hoặc hành chính. Điều này dẫn đến việc không thống nhất là tòa đã thụ lý rồi mà vẫn hòa giải.
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MV
Một tình huống nữa là hòa giải, đối thoại với đương sự là người nước ngoài. Hai bên hòa giải thông qua trực tuyến, nếu hòa giải thành thì ký biên bản hòa giải như thế nào. Những bản ghi âm, ghi hình việc hòa giải có thể sử dụng làm căn cứ để tòa án xác nhận hòa giải thành hay không. Cạnh đó, nếu đối thoại, hòa giải mà không có người đại diện ở Việt Nam thì một bên ký biên bản, người nước ngoài phải về ký hay không hoặc ủy quyền thì thời hạn ra sao.
Nhiều đại biểu cho rằng việc ban hành luật về hòa giải, đối thoại là rất cần thiết nhưng để luật đi vào cuộc sống thì cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói: “Cần phải có một luật hòa giải, đối thoại toàn diện. Dự thảo chỉ với 30 điều là chưa đủ, còn thiếu nhiều, có những quy định chồng chéo khiến những luật khác rất khó thực hiện...”.
Ngoài ra, đối với những vụ án quan trọng của người dân, liên quan đến tài sản của Nhà nước thì hòa giải cần phải có sự tham gia của VKS. Hơn nữa, khi các đương sự trực tiếp gặp nhau để hòa giải thì dễ hơn việc ủy quyền. Có những việc liên quan đến mối quan hệ như cha con hoặc vợ chồng thì ngồi đối diện với nhau sẽ dễ nói chuyện hơn. Còn nếu đương sự ủy quyền cho người khác thì có khi đi tới đi lui mà không hòa giải được.
Đại diện VKSND TP cũng góp ý cần quy định rõ trình tự thủ tục về xử lý đơn khởi kiện để đương sự hiểu rằng không hòa giải thì tòa mới thụ lý. Như thế không ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ việc.
Phải tính việc bảo mật thông tin trong hòa giải Tôi tán thành ban hành luật hòa giải, đối thoại tại tòa nhưng không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với trường hợp đương sự không yêu cầu tòa xét xử nhưng vẫn yêu cầu tòa hòa giải. Vì hoạt động hòa giải mang tính chất bổ trợ cho hoạt động xét xử của tòa án, nếu không yêu cầu xét xử thì không nên hòa giải . Việc mở rộng sẽ làm tăng thêm những vấn đề mới mà tòa án phải giải quyết. Ngoài ra việc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại phải tính toán ra sao; nếu tổ chức, cá nhân vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào chứ không quy định chung là theo quy định của pháp luật. Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM |