Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị phân nhóm sim số đẹp để đấu giá như biển số ô tô

(PLO)- Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị phân nhóm số thuê bao điện thoại để đấu giá như biển số xe ô tô với bốn mức giá khởi điểm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-10, sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy cho biết về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.

phân nhóm sim số đẹp để đấu giá như biển số ô tô
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu giải trình chiều 25-10. Ảnh: QH

Tiếp thu ý kiến đại biểu (ĐB) QH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá, quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.

Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.

Góp ý, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) cho biết ông đồng tình với quy định về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

“Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao vài ngàn đến vài chục ngàn lần so với giá khởi điểm” - ĐB Cảnh nói và đề nghị cần phân nhóm những số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy.

“Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262.000 đồng” - ông Cảnh đánh giá.

day-gia-so-dien-thoai-DB-canh.png
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định). Ảnh: QH

Tương tự như đấu giá biển số ô tô, ông Cảnh đề xuất giá khởi điểm theo bốn mức (có phân loại theo số đẹp - PV): Giá 200 triệu (với những số có 6 chữ số cuối giống nhau, tiến đều (như 123456)…); 50 triệu (với những số có 5 chữ số cuối giống nhau như 122222…); 10 triệu và những số còn lại sẽ có giá khởi điểm sẽ là 262.000 đồng.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến ĐB nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy cho biết có hai nguyên nhân dẫn đến việc chưa đấu giá kho số viễn thông. Thứ nhất là không xác định được đối tượng mang ra đấu giá, thứ hai là vấn đề xác định giá khởi điểm.

Như ĐB cũng có nêu, ông Huy cho biết các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan… Sau những chính lý, sửa đổi thì đã có được quy định như tại dự thảo.

Ông Huy cũng cho biết cơ quan này sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Bổ sung quy định để ngăn chặn sim rác

Liên quan đến việc ngăn chặn sim rác, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy cho biết một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động.

Cùng đó là quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định.

“Để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9”- ông Huy nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm