Bộ trưởng Tô Lâm: Căn cước gắn chip nhưng ‘không được và không thể theo dõi'

(PLO)- Trước lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR và căn cước điện tử không thể bị theo dõi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-10, Quốc hội (QH) thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Băn khoăn về quyền của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

Một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật Căn cước so với quy định hiện nay là việc sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết đa số ý kiến nhất trí việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Tuy nhiên, tại nghị trường hôm nay còn nhiều vấn đề xoay quanh đối tượng này khiến các đại biểu băn khoăn.

Đơn cử, theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quyền cho người gốc Việt Nam bảo đảm đầy đủ theo quy định.

Tiếp thu ý kiến đại biểu (ĐB) QH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định về quyền của người gốc Việt Nam.

Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật; được khai thác thông tin của mình trong CSDLQG về dân cư và CSDL căn cước.

Ngoài ra, họ còn được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này…

can-cuoc-gan-chip-DB-Hong-Hanh.png
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) nêu băn khoăn về quyền của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Ảnh: QH

Với những nội dung đã được UBTVQH tiếp thu, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng việc bổ sung này chủ yếu liên quan đến thông tin của cơ sở dữ liệu và thông tin trong giấy chứng nhận, chưa làm rõ được địa vị pháp lý của nhóm người này.

Theo bà Hạnh, nhóm người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch không có trong đối tượng của Luật Quốc tịch cũng như Luật Hộ tịch, họ được làm gì, không được làm gì, có được cấp giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn như một số ĐB phát biểu hay không?

"Tôi thấy cần làm rõ, hoặc quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật này, để tránh khi Luật có hiệu lực, thì phát sinh ngay vướng mắc bất cập cho công chức cơ sở" - Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM bày tỏ.

Căn cước gắn chip, QR code có bị theo dõi?

Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử bị theo dõi. Do đó, để công dân an tâm, ông Hòa đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Phát biểu giải trình vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ngay sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật trình UBTVQH, trình Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách; tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình QH tại Kỳ họp thứ 6.

can-cuoc-gan-chip-to-lam.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp sáng 25-10.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng với nhiều nhóm vấn đề mà các ĐB còn nhiều ý kiến.

Giải đáp đại biểu về vấn đề bảo mật, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR và căn cước điện tử không thể theo dõi được.

“Bộ hay bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể theo dõi. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân, cho người sử dụng thẻ không bị theo dõi từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào; bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp”– Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình QH thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm