Đại biểu Quốc hội đề nghị nên quy định việc ghi âm, ghi hình cởi mở hơn với nhà báo

(PLO)- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng việc quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên toà là vô cùng cần thiết; tuy nhiên cần phân biệt đối tượng và nên cởi mở hơn đối với nhà báo, phóng viên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự luật gửi các đại biểu Quốc hội. Trong đó đáng chú ý là việc tiếp thu, chỉnh lý khoản 3 Điều 141 quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Do còn ý kiến khác nhau nên dự thảo trình Quốc hội thảo luận được thiết kế hai phương án.

Phương án 1 (gồm khoản 3 và khoản 4): Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.

Phương án 2: Không quy định khoản 3 và khoản 4 (Thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan).

nhieu-y-kien-xung-quanh-2-phuong-an-ghi-am-ghi-hinh-tai-phien-toa-viet-nga-hai-duong.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

Cần phân biệt đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại tòa

Nêu ý kiến về quy định ghi âm, ghi hình tại tòa, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cho biết trên thực tế có rất nhiều vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội… một cách không chính thống. Cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ nhiều người dùng mạng xã hội.

Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người được quy định trong Hiến pháp.

“Việc quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên toà là vô cùng cần thiết” – đại biểu Nga nhấn mạnh và kiến nghị cân nhắc một số nội dung.

Thứ nhất, không nên chỉ giới hạn việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định mà cần giới hạn cả việc ghi âm.

Bà Nga cho rằng nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên tòa không chỉ là thời gian khai mạc, tuyên án, hay công bố quyết định nhưng nếu để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong cả quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì ít nhiều tạo sự lộn xộn.

Hơn nữa, bà Nga nhìn nhận những phiên tòa xử án ly hôn, án kinh doanh… có nhiều bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp, bí mật kinh doanh. Do vậy, nếu ghi âm, ghi hình tràn lan rồi đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các cá nhân, tổ chức liên quan. “Nhất là hiện nay việc xử phạt những vi phạm trên môi trường mạng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc” – bà Nga nói thêm.

Thứ hai, bà Nga cho rằng cần có sự phân biệt đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. ĐBQH tỉnh Hải Dương đề xuất nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa với nhóm đối tượng là PV, báo chí, truyền hình bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn.

nhieu-y-kien-xung-quanh-2-phuong-an-ghi-am-ghi-hinh-tai-phien-toa-pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình có quy định ghi âm, ghi hình như dự thảo nhưng ông đề nghị chỉnh lý theo hướng phóng viên báo chí ghi âm, ghi hình bị can, bị cáo nếu được sự đồng ý của bị can, bị cáo.

"Nhưng báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình. Tổng biên tập chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ghi âm, ghi hình. Như thế đâu ai dám tung tin bậy bạ trên mạng", ông Hoà nói.

Bổ sung quy định về ghi âm tại phiên tòa

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) tán thành với phương án một và cho rằng việc này đã khắc phục được những bất cập trong những luật tố tụng hiện hành, đáp ứng được hai yêu cầu đặt ra trong hoạt động của phiên tòa.

Cụ thể, không làm ảnh hưởng tới quyền công dân, quyền con người của bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Bởi theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Do đó, kể cả khi bị đưa ra xét xử thì bị cáo vẫn chưa bị coi là người có tội nên phải đối xử với họ như người chưa có tội.

Hay trong những vụ án dân sự ly hôn, liên quan đến bí mật riêng tư, gia đình, kinh doanh… những thông tin đưa ra tại phiên tòa chưa được kiểm chứng và phải được HĐXX xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Do vậy, việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện theo quy định chặt chẽ của pháp luật và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của bị cáo đương sự. Đồng thời không làm ảnh hưởng tới hoạt động xét xử, phải đảm bảo để HĐXX toàn tâm, toàn ý cho việc thực hiện xét xử.

Nhiều ý kiến xung quanh 2 phương án ghi âm, ghi hình tại phiên tòa
Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 28-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Để thực hiện đầy đủ hai yêu cầu nêu trên, đại biểu Minh đề nghị bổ sung cụm từ ghi âm vào cuối khoản 3 “Việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định”.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) cũng đồng tình với phương án 1. Bởi theo bà, việc này nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Cũng theo đại biểu Ánh, để đảm bảo tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm các yếu tố khác, việc quy định tại khoản 3 Điều 141 không hẹp hơn so với Luật Báo chí. “Luật báo chí quy định hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật thì luật này và các luật khác cho phép đâu, báo chí hoạt động tới đó” – bà Ánh nói.

Đồng thời, bà Ánh đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung khoản 4 “Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn khi cần thiết và việc cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình được thực hiện theo quy định của pháp luật; giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này”.

Việc bổ sung quy định nêu trên vừa bảo đảm cho phiên tòa được tiến hành trang nghiêm, chất lượng, vừa đảm bảo tính khả thi và tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền lợi, chức năng, nhiệm vụ của mình. “Sau này VKS có giám sát hay cơ quan, cá nhân, tổ chức cần kiểm tra thông tin thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình của tòa” – bà Ánh nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) thì đề nghị chỉnh lý theo hướng: Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ toạ phiên toà.

"Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên toà, phiên họp thì phải có sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ toạ phiên toà, phiên họp" – đại biểu đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm