Hạn chế ghi âm, ghi hình tại tòa: Các nhà báo nói gì?

(PLO)- Nhiều nhà báo pháp đình cho rằng việc không cho phép ghi âm, ghi hình phần diễn biến phiên tòa sẽ gây nhiều khó khăn, rủi ro về mặt thông tin.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã thông tin, Khoản 3 Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ.

Dự thảo không có quy định riêng đối với hoạt động tác nghiệp của nhà báo như Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Như vậy có thể hiểu nhà báo tham gia tác nghiệp và chỉ được thực hiện ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và phần tuyên án.

Quy định này được được đánh giá là chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, gần như tước đi công cụ hành nghề của các nhà báo pháp đình.

Để rộng đường dư luận, PLO xin giới thiệu ý của một số nhà báo pháp đình về quan điểm của họ đối với dự thảo, với tư cách là đối tượng bị tác động của chính sách:

Nhà báo PHAN THƯƠNG, báo Thanh Niên:

Không nên quy định cứng nhắc

Theo tôi dự thảo quy định chỉ được ghi âm, ghi hình phần khai mạc, tuyên án của phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp… là đang thu hẹp, siết chặt hoạt động tác nghiệp tại toà của nhà báo.

Một trong những yêu cầu tiên quyết đặt ra với các nhà báo pháp đình là phải thông tin diễn biến, nội dung xét xử vụ án một cách khách quan, chính xác nhất. Để làm được điều này, ngoài kiến thức, kỹ năng thì việc ghi âm, ghi hình là phương thức hiệu quả, cần thiết để mỗi nhà báo pháp đình sử dụng đối chiếu, kiểm chứng thông tin trước khi đưa lên mặt báo.

Việc quy định cho phép ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên toà giống như một quy định “sáo rỗng”, hình thức. Bởi thực tế khi tác nghiệp tại các phiên toà thì khoảng thời gian khai mạc chỉ diễn ra các thủ tục bắt buộc phải thực hiện theo quy định như: Chủ toạ đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, thư ký báo cáo việc có mặt của những người được triệu tập... Ghi âm, ghi hình trong khoảng thời gian này không có nội dung, ghi âm cũng như không.

Trong khi đó, các phần xét hỏi, tranh luận trong phiên tòa hình sự chứa nhiều diễn tiến quan trọng, giúp người dân nắm được mạch diễn biến của phiên xử thì lại không cho phép ghi âm. Khi đó rủi ro về thông tin là rất lớn.

Đó là chưa kể đến những phiên toà xét xử đại án, kéo dài nhiều ngày, lượng thông tin cần truyền tải lên mặt báo là rất lớn. Không ai có thể đảm bảo được 100% thông tin truyền tải đến bạn đọc là chính xác nếu như không được đối chiếu với bản ghi âm trong quá trình tác nghiệp.

nhà báo
Nhà báo Phan Thương (áo đỏ) trong một lần tác nghiệp tại tòa án. Ảnh: NVCC

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại nếu như để cho các cơ quan báo chí tác nghiệp tuỳ nghi tại phiên toà phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của chủ toạ khi điều hành phiên toà cũng như sự uy nghiêm của phiên toà.

Tuy nhiên không thể lấy lý do đó mà quy định một cách cứng nhắc để siết hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

Thay vì quy định siết chặt việc ghi âm, ghi hình phiên toà như trong dự thảo thì chúng ta có nhiều phương thức, cách thức khác để ghi âm, ghi hình mà không ảnh hưởng đến hoạt động xét xử.

Thực tế tác nghiệp tại các phiên toà xét xử các vụ đại án hoặc những vụ án có số lượng người tham dự lớn thì chủ toạ phiên toà thường chỉ cho nhà báo vào phòng xử chụp hình, ghi hình trong khoảng 10-15 phút đầu giờ, sau đó nhà báo sẽ được bố trí khu vực tác nghiệp riêng để theo dõi diễn biến phiên toà qua màn hình tivi. Việc ghi âm, ghi hình qua màn hình vẫn được thực hiện bình thường. Với cách làm đó rất nhiều phiên toà xét xử các vụ đại án đã được thông tin chính xác, đầy đủ.

Như vậy, theo tôi không nên quy định như dự thảo mà nên giữ nguyên như quy định của các bộ luật tố tụng hiện hành.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây một số phiên tòa được siết chặt ghi âm, ghi hình. Việc này có thể áp dụng nhưng cần quy định rõ đối với những vụ án như thế nào, để tránh cơ quan tiến hành tố tụng tùy nghi áp dụng, không rõ ràng, khách quan, minh bạch.

Nhà báo THANH PHƯƠNG, báo VietnamNet:

Sử dụng sai mục đích có thể xử lý nhà báo

Liên quan đến vấn đề ghi âm, ghi hình của nhà báo tại toà thì việc ghi âm không chỉ có ý nghĩa giúp cho thông tin phản ánh lên mặt báo được chính xác mà còn là căn cứ để nhà báo, các cơ quan báo chí sử dụng để chứng minh, bảo vệ quan điểm khi có xung đột xảy ra.

Cạnh đó, việc ghi âm, ghi hình của nhà báo khác với việc ghi âm, ghi hình của các đương sự, người tham gia tố tụng trong vụ án. Bởi lẽ, nhà báo ghi âm, ghi hình để phục vụ cho mục đích báo chí, sử dụng cho các sản phẩm báo chí, còn đương sự ghi âm, ghi hình diễn biến phiên toà sử dụng vào mục đích gì rất khó để kiểm soát.

Do đó nếu nhà báo, các cơ quan báo chí sử dụng ghi âm, ghi hình phiên toà sai mục đích thì cơ quan chức năng, mọi người hoàn toàn có thể yêu cầu xử lý nhà báo, cơ quan báo chí theo quy định. Quyền, nghĩa vụ của nhà báo đã được quy định rất rõ trong Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Như đã nói, mục đích của việc ghi âm diễn biến phiên toà là để các nhà báo pháp đình, các cơ quan báo chí có “tấm khiên bảo vệ” cho chính mình. Ví dụ khi thông tin về nội dung, diễn biến phiên toà mà có đương sự khiếu nại tới các cơ quan báo chí về hành vi thông tin không đúng sự thật thì phải có căn cứ để chứng minh và bản ghi âm là một trong các căn cứ để giải quyết các khiếu nại đến từ bạn đọc.

Mặc dù có quy định toà án được phép ghi âm, ghi hình để phục vụ cho công tác chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác nhưng trong trường hợp này nếu không cho phép các cơ quan báo chí ghi âm, ghi hình diễn biến phiên toà thì các cơ quan báo chí lấy chứng cứ ở đâu để giải quyết các khiếu nại phát sinh (nếu có). Đó là chưa kể đến trường hợp làm văn bản xin toà án thì chưa chắc đã được toà án đồng ý vì luật không có quy định bắt buộc dẫn đến áp dụng tuỳ nghi.

Một phiên toà kéo dài nhiều ngày luôn được người dân, dư luận quan tâm và phần diễn biến xét hỏi, tranh tụng tại toà là được đặc biệt chú ý vì phản ánh đầy đủ diễn biến hành vi phạm tội (vụ án hình sự) hoặc diễn biến tranh chấp (vụ án dân sự, hành chính). Do vậy mà cần thiết phải cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên toà thay vì quy định như dự thảo. Việc ghi âm, ghi hình tuỳ vào từng tính chất, quy mô phiên toà mà toà án, HĐXX sẽ có phương thức phù hợp.

Còn nếu xét về ý nghĩa, quyền giám sát của các lực lượng xã hội, trong đó có các cơ quan báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa công khai nên nếu quy định như dự thảo thì người dân khó biết công lý được thực thi thế nào ở chốn pháp đình.

Nhà báo THÀNH CHUNG, báo Sài Gòn Giải Phóng:

Nên hài hoà đôi bên

Thực tế khi đi tác nghiệp đưa tin diễn biến phiên toà (chủ yếu tác nghiệp tại các vụ án hình sự) thì hình ảnh, video của các bị cáo tại các vụ án hình sự chiếm phần nhiều trong các sản phẩm báo chí của các nhà báo pháp đình.

Bởi lẽ các cơ quan báo chí đều hiểu rằng trong các vụ án dân sự thường rất phức tạp vì có thể liên quan đến quyền riêng tư, bí mật các nhân, bí mật kinh doanh và hình ảnh của các đương sự trong vụ án nên HĐXX hạn chế cho báo chí tác nghiệp để bảo vệ thông tin của các đương sự. Một khi các cơ quan báo chí đưa những thông tin đó lên, đặc biệt là các cơ quan báo chí có uy tín, lượng độc giả lớn sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự nên rất dễ bị khiếu nại.

Nha-bao-Thanh-Chung.jpg
Nhà báo Thành Chung.

Tuy nhiên không nên vì thế mà siết hoạt động tác nghiệp tại phiên toà của các nhà báo. Bản thân việc ghi âm, ghi hình không phải là nguyên nhân gây mất tập trung đối với người tiến hành tố tụng. Nó có thể là 1 cá nhân cụ thể, đây là điều không thể tránh khỏi và hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có cơ chế xử lý.

Thực tế hiện nay phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp tại toà được bố trí khu vực riêng và cũng không ai đứng nhiều giờ đồng hồ để ghi hình liên tục phiên toà mà chỉ ghi âm, ghi hình những đoạn quan trọng phục vụ cho rà soát đối chiếu lại nội dung sẽ được đăng báo.

Do đó, để lợi hài hòa lợi ích đôi bên thì vẫn nên giữ quy định như hiện nay.

Phiên tòa công khai, sao lại không được ghi âm?

Luật Báo chí năm 2016 đã quy định rất rõ ràng, khá đầy đủ, toàn diện về hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo nói chung và tại các phiên tòa nói riêng.

Cụ thể, Điều 25 quy định rõ nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật khác theo quy định của pháp luật và được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Dù vậy, thực tế tác nghiệp tại nhiều phiên tòa xét xử công khai, nhà báo được yêu cầu không mang máy tính, ghi âm, ghi hình vào phòng báo chí (phòng riêng).

Chẳng hạn, ngày 4-4, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) xét xử “ông trùm” Nguyễn Minh Thành và các đồng phạm trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ thu lợi hơn 160 tỉ đồng. Khi vào tác nghiệp, các phóng viên không được ghi âm, chụp ảnh. Một phiên tòa mà số tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc vô cùng lớn thì việc không cho ghi âm sẽ gây ra rủi ro vô cùng lớn về độ chính xác của thông tin.

Việc ghi âm, ghi hình là đặc thù của nghề báo, đối với các vụ án phức tạp, dài ngày, việc không được ghi âm, ghi hình diễn biến phiên toàn khiến phóng viên rất khó truyền tải thông tin đến bạn đọc. Dữ liệu ghi âm, ghi hình còn giúp nhà báo kiểm chứng thông tin và tránh rủi ro pháp lý.

Luật Báo chí đã "phủ sóng" mọi phương diện hoạt động của nhà báo, gồm cả phạm trù đạo đức, điều kiện tác nghiệp. Luật Tổ chức TAND có thể điều chỉnh các hoạt động đặc thù. Tuy nhiên việc này phải đảm bảo không chồng chéo, giẫm chân lên nhau.

BÙI TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm