Hạn chế nhà báo ghi âm, ghi hình tại tòa: Lợi bất cập hại!

(PLO)- Nếu Khoản 3 Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi được thông qua thì việc tác nghiệp báo chí tại tòa sẽ gặp muôn vàn khó khăn, báo chí sẽ giảm đi chức năng thông tin, kiểm chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20-5 tới đây, Quốc hội khóa XV sẽ lần thứ 2 cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Khoản 3 Điều 141 Dự thảo luật quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ.

Trong khi đó hiện nay, khoản 4 Điều 234 BLTTDS, khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ. Tức - không bị hạn chế ghi âm, ghi hình phần diễn biến như xét hỏi, tranh luận...

Đồng thời, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

ghi âm
Các nhà báo tác nghiệp tại một phiên xử. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đảm bảo tập trung cao nhất cho việc xét xử

Tại phiên họp của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 26-3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết "sẽ bàn thêm" về quy định ghi âm, ghi hình vì "phần điều chỉnh của cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Tư pháp chưa gặp nhau".

“Lúc xét xử, HĐXX, VKS, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án. Truyền thông cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán.

Bản thân HĐXX, kiểm sát viên, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu. Khi suy nghĩ, khuôn mặt phải đăm chiêu, nhíu mày chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười được. Thế nhưng vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất, người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười”- ông Bình chia sẻ và khẳng định quy định như dự thảo nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Báo chí hiện thực hóa việc công khai, minh bạch

Là người đã từng có thời gian làm báo và hiện đang thực hiện công tác giảng dạy về báo chí, tôi không tán đồng quy định nêu ra trong dự thảo. Tôi cho rằng đây là một đề xuất khá “ích kỷ” khi gần như chỉ chú trọng vào lợi ích của tòa án mà ít quan tâm đến những khía cạnh hoạt động báo chí và sự cần thiết của báo chí đối với xã hội.

Hiện thực cho thấy lâu nay nếu không có sự giám sát, công khai minh bạch thì có khả năng nhiều vụ án hay trong quá trình xét xử không đảm bảo quyền lợi của bị cáo tại tòa.

Việc báo chí được tham dự đưa tin từ lúc bắt đầu, tường thuật diễn biến cho đến khi đăng tin kết thúc thì phải là một quá trình liền mạch và thậm chí đã được luật hoá.

Việc đưa tin tường thuật phiên tòa là quyền đương nhiên của báo chí trong các vụ án công khai và việc này giúp cho báo chí phát huy đúng chức năng, vai trò và thể hiện báo chí là một nguồn lực nhân sự để đảm bảo quyền của người dân.

Và một khi đã ra xét xử công khai thì việc báo chí phản ánh công khai việc tòa xét xử cũng chính là đảm bảo quyền cho người đang bị xét xử. Nên nhớ, chúng ta không thiếu những vụ án oan; làm sao có thể đảm bảo được rằng nếu không có lực lượng giám sát ngay từ đầu (trong đó có các nhà báo) thì việc xét xử này có thể đảm bảo khách quan như vậy?

Thay vì hạn chế việc ghi âm, ghi hình của báo chí thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có những bước tự chuyển mình để phù hợp với thực tiễn.

Những người tiến hành tố tụng phải xem việc báo chí được phép tường thuật, quay phim, chụp ảnh là bình thường, bởi đây là hiện thực hoá việc công khai, minh bạch.

Tước đi công cụ, phương thức hành nghề của báo chí

Về mặt lí luận, tư liệu ghi âm, hình ảnh là bằng chứng, minh chứng để đảm bảo cho việc phối kiểm, kiểm chứng; đảm bảo chính xác tuyệt đối trước những thông tin mà người làm báo đưa đến công chúng.

Nghe, ghi chép có thể sai vì trong thời điểm diễn biến phiên tòa chỉ cần xao nhãng, mất tập trung, bỏ đi những chi tiết dù là nhỏ nhất cũng có thể sẽ hiểu sai vấn đề tiếp theo. Nếu tước đi điều này sẽ đẩy việc thông tin báo chí vào chỗ không chuyên nghiệp, người làm báo sẽ tường thuật theo cảm quan.

Việc không cho nhà báo chụp ảnh, ghi âm ở giai đoạn diễn biến phiên xử gần như tước đi những công cụ cơ bản của người làm báo pháp đình, làm giảm khả năng thu thập thông tin của nhà báo, gián tiếp làm giảm vai trò, chức năng thông tin của báo chí. Đồng thời, hình ảnh và ghi âm là bằng chứng và là vũ khí, nếu không có sẽ đẩy người làm báo vào chỗ nguy hiểm. Vì lúc nào bạn cũng sẵn lòng đối mặt với những kiện tụng sau đó.

Thực tế, một số tờ báo hay một số người làm báo không chuyên nghiệp (nhất là các youtuber, tiktoker…) đã vi phạm một số quy định, vô tình đưa tin diễn biến nhưng chưa nắm rõ bản chất. Đó là lỗi của những cá nhân cụ thể chứ không phải bản chất lỗi của báo chí và đã có quy định xử phạt.

Cả bên phía báo chí và tòa án cần nâng cao năng lực làm việc chứ không phải hạn chế sức mạnh của nhau.

Tại phiên tòa danh dự, nhân thân của một người đang được làm rõ và không có công cụ nào khác để giám sát ngoài báo chí. Báo chí là sức mạnh của dư luận, để người dân có thể giám sát việc xét xử đúng người đúng tội. Khi tách báo chí ra thì những người đó thân cô thế cô.

Cạnh đó, trong một xã hội dân sự, theo đúng lí tưởng xã hội của dân, do dân, vì dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và để theo lý tưởng đó thì báo chí phải thực sự là nguồn lực để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Nếu dự án luật này được thông qua thì chức năng, thiên chức của báo chí sẽ bị hạn chế đáng kể và là một bước lùi và cuối cùng báo chí sẽ bị trói tay, trói chân.

(*) Tác giả - ThS Phạm Duy Phúc, hiện là Phó trưởng khoa Báo chí truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Cần quy định riêng đối với nhà báo

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, người tham dự phiên tòa được quy định tại Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi được hiểu trong đó có nhà báo tham gia tác nghiệp và chỉ được thực hiện ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án.

Việc hạn chế này cho thấy toàn bộ những diễn biến phiên tòa gồm những nội dung thẩm vấn, tranh luận để bật ra những sự thật khách quan của vụ án thì lại không cho ghi âm, ghi hình.

Như vậy, việc đưa tin chỉ thể hiện kết quả của vụ án chứ không thể nắm bắt được diễn tiến vụ án thể hiện tính khách quan, tính công bằng trong phần thẩm vấn, xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa.

Điều này đôi khi sẽ tạo nên những thông tin sai lệch, sự suy diễn chủ quan của từ những phát ngôn không chính thức của người tiến hành tố tụng, người làm gia tố tụng, làm giảm uy tín của tòa án, dẫn đến việc giám sát thực thi pháp luật của người dân không được chặt chẽ và không đảm bảo tính liên tục, sát thực tế.

Khi nhà báo hoạt động tác nghiệp sẽ phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định tại Luật Báo chí và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam hiện hành.

Vì vậy, Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi cần quy định rõ về cụm từ “người tham dự phiên tòa, phiên họp” không bao gồm nhà báo. Hoặc nêu riêng nhà báo tham dự phiên tòa sẽ đăng ký tác nghiệp phản ánh đúng diễn tiến phiên tòa, đảm bảo phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án.

Còn theo một kiểm sát viên tại TP.HCM, nếu quy định trên được thông qua thì sẽ trái với các nguyên tắc tố tụng khác. Chỉ cần quy định báo chí được phép tác nghiệp (ghi âm, ghi hình) xuyên suốt phiên tòa khi có sự đồng ý của HĐXX, như vậy mới đảm bảo cơ chế về cung cấp thông tin, hoạt động tuyên truyền đến người dân.

Hơn nữa, hiện tại đã có Pháp lệnh 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có xử phạt đối với báo chí. Có nghĩa là những người tham dự phiên tòa, kể cả báo chí đều có thể bị xử phạt nếu không chấp hành đúng quy định.

SONG MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm