Viện trưởng Lê Minh Trí: 6 tháng, khởi tố mới 468 vụ án tham nhũng, chức vụ

(PLO)- VKSND Tối cao đã tham mưu xử lý nghiêm người chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác của ngành kiểm sát từ ngày 1-10-2023 đến ngày 31-3-2024.

Bảo đảm xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

Đáng chú ý, liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay trong 6 tháng, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 468 vụ, tăng 2%.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

Cũng theo ông Lê Minh Trí, trong kỳ, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết hơn 2.060 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế (tăng gần 327%); đã giải quyết, xử lý gần 1.520 nguồn tin, trong đó Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 854 vụ án, tăng 367%.

Trong số này, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố, thụ lý điều tra 24 vụ/43 bị can về tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Ngành Kiểm sát cũng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra gần 5.530 vụ với gần 11.500 bị can, tăng hơn 513% số vụ và 366% số bị can.

Ngành cũng thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố gần 3.100 vụ/gần 6.740 bị can; đã giải quyết hơn 2.600 vụ/trên 5.230 bị can, đạt tỉ lệ trên 83%).

Toà án đã thụ lý xét xử sơ thẩm gần 2.930 vụ với gần 6.400 bị cáo; xét xử sơ thẩm hơn 1.970 vụ, với gần 3.890 bị cáo.

Tại báo cáo, ông Lê Minh Trí khẳng định VKSND Tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.

Tham mưu xử lý khoan hồng với người biết ăn năn, hối cải

Đánh giá chung, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng thời gian qua, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

“Nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân, trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh xăng dầu” - theo báo cáo.

Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao dẫn chứng một số vụ án điển hình, như vụ Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Hay vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố.

Vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil...

Để đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết ông đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cạnh đó, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Một trong những biện pháp được nhắc tới là việc ban hành Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, chức vụ; tiêu chí phân loại xử lý các đối tượng trong các vụ án liên quan đến đăng kiểm.

Cạnh đó, VKS các cấp phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Dẫn chứng, báo cáo nêu vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)…

Ngành Kiểm sát đã tham mưu xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với những người biết ăn năn, hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

“Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác của các đơn vị” - theo báo cáo.

Tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch nhiều tài sản

Trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay trong 6 tháng, cơ quan thi hành án thu hồi hơn 10.135 tỉ đồng, đạt tỉ lệ gần 19%.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi hơn 29.600 tỉ đồng, đạt tỉ lệ hơn 4%).

Ngoài ra, báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao thông tin các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch nhiều tài sản khác, như: gần 1.400 bất động sản; hơn 1,1 triệu cổ phần; 7,1 triệu USD; 153 kg vàng; 327 ô tô; hơn 59.100m2 đất; 1 du thuyền; 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Cũng theo báo cáo, một số vụ án thu hồi tài sản cao. Dẫn chứng được nêu là vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và các đơn vị có liên quan, các bị can tự nguyện nộp gần 8.650 tỉ đồng.

Hay Vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh thành, quá trình khám xét, Cơ quan An ninh điều tra đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 1.320 tỉ đồng...

Với những kết quả đạt được, ông Lê Minh Trí khẳng định VKSND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm