Tại phiên chất vấn được Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 20-3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề cập đến việc Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có thẩm quyền rất quan trọng trong điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Dư luận nhân dân cho rằng thực trạng chúng ta phát hiện, khởi tố, điều tra, khám phá các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp chưa tương xứng với tình hình thực tế đã xảy ra”- đại biểu Cường đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá về thực trạng này, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục.
Từ điểm cầu Hậu Giang, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam cũng nêu câu hỏi chất vấn tương tự.
Phản hồi, Viện trưởng Lê Minh Trí nói cơ quan điều tra VKSND Tối cao quy tụ những người có kiến thức, có kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp nên khả năng đối phó cũng rất cao. Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận do cán bộ chủ yếu là kiểm sát viên chuyển sang làm điều tra viên nên chất lượng không đồng đều.
“Thời gian qua, chúng tôi phải vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa phải đào tạo, phân công đào tạo, giao việc để anh em đáp ứng được yêu cầu công việc”- ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Nêu về khó khăn trong hoạt động, ông Lê Minh Trí cho hay các cơ quan điều tra khác có “chân rết” bên dưới nhưng địa bàn hoạt động của cơ quan điều tra VKSND Tối cao là cả nước và chỉ có một cấp. Do vậy, việc thụ lý, xử lý tin báo, tố giác rất khó khăn.
“Anh em vừa qua đảm đương được thế này, tôi nghĩ cũng là một nỗ lực rất lớn. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ để bù đắp lại nguồn ban đầu không được chính quy, không chuyên nghiệp”- lãnh đạo ngành kiểm sát cho hay.
Nêu giải pháp khắc phục, ông Lê Minh Trí cho hay sắp tới, yêu cầu đầu tiên của Viện trưởng với cơ quan điều tra VKSND Tối cao là điều tra viên phải giữ gìn sự trong sáng phẩm chất, đạo đức của mình.
“Đối tượng điều tra đã có những đặc thù như thế rồi mà chúng ta lại không trong sáng, không giữ gìn thì chắc chắn phải trả một giá rất đắt, sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành”- ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Yêu cầu thứ hai, theo lãnh đạo ngành kiểm sát, là quá trình điều tra phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. “Sơ sẩy một chút sẽ bị kiện, bởi người ta rất hiểu về tư pháp, rất hiểu về chúng ta. Điều quan trọng hơn nữa, VKS vừa qua quyết định không có chạy theo số lượng mà chỉ tập trung điều tra các vụ án đã xác định là án trọng điểm”- ông Trí nói.
Liên quan đến việc thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm, Viện trưởng Tối cao cho hay sắp tới sẽ giao cho một số kiểm sát viên VKS cấp tỉnh tiếp nhận, phân loại đơn, khi có căn cứ sẽ chuyển về cho cơ quan điều tra VKSND Tối cao.
“Trên này chỉ tập trung vào làm án điểm”- ông Lê Minh Trí cho hay số đơn bình quân mỗi ngày hiện nay khoảng hơn 300 đơn, gửi theo dạng từ khiếu kiện, khởi kiện không được thành tố giác.
“Trung bình một tháng đã 5.000- 6.000 đơn thì làm sao xử lý được, trong khi đó bộ máy chỉ hơn 100 người”- lãnh đạo ngành kiểm sát nêu quan điểm.
“Tôi đã quyết định Trường Đại học kiểm sát sẽ mở một chuyên khoa về đào tạo điều tra cho cán bộ điều tra, cũng như mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm điều tra tại trường bồi dưỡng nghiệp vụ ngành kiểm sát ở TP.HCM”- ông Lê Minh Trí nói.
Ông cho rằng cán bộ cơ quan điều tra VKSND Tối cao đang có “đầu vào” hạn chế nhưng lại đi điều tra những người đồng nghiệp, đồng sự, thậm chí bậc anh, chị của mình trong hoạt động tư pháp là một thách thức vô cùng khó khăn…
Trả lời Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, ông Lê Minh Trí cho rằng phải giải quyết đồng bộ các giải pháp, kể cả giải pháp công tác cán bộ, nếu không sẽ không có hiệu quả.
“Trong bảy năm tôi làm Viện trưởng, tôi đã thay ba thủ trưởng cơ quan điều tra VKSND Tối cao, sắp tới có thay nữa hay không cũng chưa biết. Bởi vì Quốc hội đòi cao như thế, anh em làm không tới thì kiểm điểm một hồi là thay”- ông Lê Minh Trí nói.