Đại biểu Quốc hội: Sắp tới liệu có ngân hàng khác như SCB hay không?

(PLO)- Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề liệu sắp tới có khả năng xảy ra sự việc như tại ngân hàng SCB hay không, để khách hàng yên tâm gửi tiền.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6.

Với nhóm lĩnh vực kinh tế, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo bà Thuý, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt tiến độ đề ra. Bà đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề về các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay đang trong vòng kiểm soát đặc biệt của ngân hàng.

Daibieu-Pham-Van-Hoa.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp).

“Sắp tới trong lĩnh vực ngân hàng liệu có xảy ra tình trạng giống như trường hợp Ngân hàng SCB nữa hay không, để khách hàng yên tâm gửi tiền và cũng để đảm bảo tình tình an ninh trật tự chung", đại biểu Hoà đặt câu hỏi. Ông Hòa đánh giá thêm, hiện nay có ngân hàng thuộc diện hết sức là nguy hiểm.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng không trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Hoà mà nêu nhiều cái khó trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Theo Thống đốc, điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19, cũng như biến động của kinh tế thế giới, thì việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém lại càng khó hơn.

"Việc xây dựng đề án nêu trên khó, phức tạp, chưa từng có tiền lệ, trong khi cán bộ tham gia xây dựng đề án chưa có kinh nghiệm. Việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tự nguyện cũng khó khăn. Cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu cũng cần phải xin ý kiến của các cơ quan liên quan để có được sự đồng thuận" - bà Hồng nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, đối với các ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xin ý kiến, trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tổ chức thực hiện.

Thong-doc-Nguyen-Thi-Hong-SCB.jpeg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Kiểm toán Nhà nước, phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ba ngân hàng) còn chậm, kéo dài từ năm 2015 đến nay. Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc xử lý ba ngân hàng được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Việc mua các ngân hàng này đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc.

Ngoài 3 ngân hàng trên, trong số các ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt, hiện mới chỉ có một ngân hàng được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc là DongAbank.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với ba ngân hàng mua bắt buộc và DongAbank.

Với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, Kiểm toán Nhà nước đề nghị trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm