Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về việc đổi mới TAND

(PLO)- Đại biểu đề nghị lấy phiếu xin ý kiến tất cả đại biểu Quốc hội về việc đổi TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-5, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về “đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử” quy định tại khoản 1 điều 4 dự thảo.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này thì không thay đổi.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về việc đổi mới TAND
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án”- Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Mặt khác, quy định này chưa thống nhất về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương và phải sửa đổi một số luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chưa kể, việc này còn làm phát sinh một số chi phí (như sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ).

“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của Luật hiện hành về TAND huyện, TAND tỉnh”- theo bà Lê Thị Nga.

Tuy nhiên, do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND Tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cụ thể, phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của Luật hiện hành);

Phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND Tối cao).

Nêu ý kiến, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho hay ủng hộ quan điểm giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

“Không có gì khác hơn thì tại sao chúng ta phải đổi”- ông Hoà nói.

DB-Pham-Van-Hoa.jpeg
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, do có nhiều ĐB đồng tình với việc đổi tên toà án, Chánh án TAND Tối cao thuyết phục Quốc hội, đề nghị nên đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, ông Phạm Văn Hoà đề nghị lấy phiếu xin ý kiến các ĐBQH về nội dung này.

“Chúng ta có 487 đại biểu Quốc hội, các đại biểu phát biểu chỉ trên dưới 30 mà thôi, chưa biết mấy trăm đại biểu còn lại ủng hộ phương án nào. Đề nghị nên lấy phiếu để không ai so bì gì được”- ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nói.

Nêu quan điểm, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho hay ông đồng ý với phương án 2, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Nêu lý do, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng việc đổi mới này đã thể chế hoá, đáp ứng yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng.

“Một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng toà án độc lập; toà án trở thành trung tâm, xét xử là trọng tâm”- ông Thịnh nói và cho rằng có như vậy, xét xử mới công bằng, bảo đảm công lý; Nhân dân mới tin vào pháp luật, tin vào Toà án, và xa hơn nữa là Nhân dân tin vào chế độ.

Mặt khác, ĐBQH tỉnh Khánh Hoà nhấn mạnh Toà án là cơ quan xét xử của nhà nước, Toà án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia chứ không phải Toà án cấp huyện hay cấp tỉnh.

DB-Do-Ngoc-Thinh.jpeg
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Thịnh cũng dẫn lại ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhận định việc xét xử các vụ án hành chính mà người bị kiện là Chủ tịch tỉnh rất khó. Nếu không độc lập, Toà án rất khó xét xử công bằng, rất khó cho việc bảo đảm công lý.

“Chúng ta phải thay đổi, sự thay đổi này phù hợp với xu hướng của thế giới. Gần như các nước trên thế giới họ đều làm vậy cả rồi. Bây giờ chúng ta mới làm hơi muộn rồi, nhưng là cần thiết”- theo ĐBQH Khánh Hoà.

Một lý do khác, ông Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định nói trên phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Toà án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

“Thời điểm lịch sử, Bác Hồ quyết định rất nhiều vấn đề lớn của nước ta, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp 1946, có việc chỉ đạo xây dựng Toà án sơ thẩm, Toà án Phúc thẩm. Tôi thấy cứ theo Bác là đúng”- ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nói thêm.

“Tôi đồng ý với ý kiến ĐB Phạm Văn Hoà, chúng ta cần phải lấy phiếu”- ông Thịnh kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm