Sáng 7-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nhiều ĐB đồng tình với nội dung của nghị quyết và cho rằng đây là điều cần thiết để xử lý cục máu đông của nền kinh tế. Tuy vậy, nhiều ĐB cũng băn khoăn việc ban hành nghị quyết sẽ tạo cơ hội cho người gây ra nợ xấu thoát tội.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: QH
Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), đề án xử lý nợ xấu đến nay đã xử lý được hơn 50% và phần còn lại cũng rất nhiều. ĐB đề nghị cần có quy định rõ ràng về xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đặt vấn đề tỉ lệ nợ xấu và tiềm ẩn chuyển sang nợ xấu báo cáo trước QH đã chính xác chưa, đã thực chất chưa, hay còn giấu. Cùng với đó chúng ta phải nhận dạng, chỉ rõ tổ chức tín dụng nào có tỉ lệ nợ xấu và số tuyệt đối cao nhất đánh giá xếp theo thứ tự để có giải pháp phù hợp, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của ban lãnh đạo, cá nhân lãnh đạo. “Nếu không làm rõ trách nhiệm từng giai đoạn vô hình trung tạo ra điều kiện để phủi trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm, thậm chí bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực này. Liệu có tạo ra tiền lệ không chỉ ở lĩnh vực giải quyết nợ xấu này?” - ĐB Vượt băn khoăn.
Giải trình thêm về các ý kiến của ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng nguyên nhân nợ xấu gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là quy trình tín dụng của một số ngân hàng còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Năng lực quản trị rủi ro của một số ngân hàng còn hạn chế, kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt… Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.
Từ năm 2011 đến 2016, công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.
Theo thống đốc, trong việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể gây ra nợ xấu, tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ cũng đã bàn rất kỹ và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. “Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - thống đốc nhấn mạnh.
Dự thảo nghị quyết này sẽ được chỉnh lý tiếp thu và hoàn thiện, sau đó sẽ được báo cáo QH để tiến hành thảo luận vòng 2 vào chiều 12-6. Sau đó sẽ trình QH biểu quyết thông qua vào ngày 21-6.
Dùng luật rừng đòi nợ Có trường hợp nợ hàng chục tỉ đồng nhưng để thoát tội, mỗi tháng người vay trả 2 triệu đồng, tính ra 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi. Đó là thực trạng thu nợ của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó tín dụng đen thì họ không để yên. Họ tìm mọi cách để lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi không thiếu một xu. Vì sao dân xã hội đen thì lấy được? Là vì họ dùng luật rừng và thuê đòi nợ, như thế băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê diễn biến phức tạp và xã hội bất ổn. Tiền nhân dạy có hai cách đấu tranh: Cách thứ nhất là dùng pháp luật, cách thứ hai là dùng vũ lực. Cách thứ nhất hợp với người, cách thứ hai dùng cho dã thú. Nhưng trên thực tế cách thứ nhất vẫn chưa đủ, không hiệu quả nên phải dùng cả cách thứ hai. Tôi mong muốn pháp luật phải nghiêm minh, hiệu quả để mọi người dân ai cũng dùng cách thứ nhất trong giải quyết các mối quan hệ xã hội. ĐB NGUYỄN HỮU CẦU, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An |