Đại cử tri đoàn sắp bỏ phiếu bầu ông Trump

Ngày 19-12 (giờ Mỹ) sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống của đại cử tri đoàn, chính thức chọn ông Donald Trump làm tổng thống thứ 45 của Mỹ. Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu ở 50 bang và tại thủ đô Washington của Mỹ, chính thức bầu tổng thống và phó tổng thống tiếp theo.

Kết quả cuộc bỏ phiếu này có thể sẽ chưa có liền trong ngày vì quá trình kiểm, cộng phiếu ở các bang sẽ phải mất vài ngày. Quốc hội sẽ chính thức thông báo người được đại cử tri đoàn lựa chọn vào ngày 6-1-2017, hai tuần trước khi tổng thống mới nhậm chức.

Sau một quá trình vận động ganh đua quyết liệt cũng như cuộc bầu cử đầy kịch tính và kết quả quá bất ngờ, sự kiện bỏ phiếu bầu của đại cử tri đoàn đang được rất nhiều người chú ý.

Khi cử tri Mỹ đi bầu ngày 8-11, thực ra họ không trực tiếp bầu tổng thống. Thực chất lá phiếu phổ thông của họ dùng để xác định 538 đại cử tri rải ở tất cả bang. Ứng viên nào có số lá phiếu phổ thông đứng đầu một bang sẽ thắng số phiếu đại cử tri của bang đó. Và ngày 19-12 này, 538 đại cử tri sẽ bỏ lá phiếu bầu tổng thống.

Để thắng cử, ứng viên phải thắng tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Ông Trump đã thắng 306 phiếu đại cử tri, tuy nhiên lại thua đối thủ Dân chủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông.

Thực ra trường hợp tương tự từng diễn ra năm 2000, khi ông George W. Bush thắng phiếu đại cử tri dù thua ông Al Gore về số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, khoảng cách của năm 2016 kịch tính hơn nhiều khi bà Clinton vượt ông Trump tới gần 3 triệu phiếu phổ thông.

Đại cử tri Đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống trong ngày 19-12. Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống trong ngày 19-12. Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Từ sau khi có kết quả bầu cử, những cá nhân, tổ chức ủng hộ bà Clinton đã làm đơn trực tuyến, kiến nghị các đại cử tri không bỏ phiếu cho ông Trump. Đến nay lá đơn này đã có khoảng 5 triệu chữ ký.

Tuy nhiên theo AFP, nỗ lực này hầu như không có hy vọng đảo ngược kết quả. Hiện không có bằng cớ nào để tin rằng sẽ có 37 đại cử tri Cộng hòa quay lưng với ông Trump. Tới giờ chỉ mới có một đại cử tri Cộng hòa tuyên bố làm điều này, đó là ông Christophe Suprum ở bang Texas.

Trong lịch sử, ít có trường hợp đại cử tri bỏ phiếu ngược lại cam kết trước đó của mình và ngược với mong muốn của phần lớn cử tri trong địa hạt của họ. Và chưa từng có chuyện các đại cử tri “lật lọng” thay đổi được kết quả của cuộc bầu cử tổng thống.

Dù thế, một số thành viên Dân chủ - vốn xem việc ông Trump thắng cử là một nguy cơ đối với nền dân chủ của Mỹ - vẫn đang nuôi hy vọng mong manh rằng sẽ có một số đại cử tri Cộng hòa quyết định không bỏ phiếu cho ông Trump.

Nếu điều này xảy ra và ông Trump không được đủ 270 phiếu đại cử tri, quyền chọn tổng thống mới kế nhiệm Tổng thống Barack Obama sẽ thuộc về Hạ viện. Trong trường hợp này, bà Clinton sẽ vẫn không có cơ hội vì đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump có nguy cơ lung lay vì đảng Cộng hòa hoàn toàn có thể chọn một thành viên Cộng hòa khác làm tổng thống chứ không phải ông Trump. Nguy cơ này không nhỏ khi lượng nghị sĩ Cộng hòa không ưa ông Trump khá nhiều.

Tuần rồi, trong cuộc họp báo cuối cùng của năm 2016 trước khi về Hawaii nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, Tổng thống Obama thừa nhận hệ thống đại cử tri đoàn là “một tàn dư”, có thể gây bất lợi cho đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng đề nghị đảng Dân chủ rút ra những bài học cần thiết từ thất bại bầu cử này để phát triển một chiến lược cho tương lai, thay vì buồn tiếc mất mát hay cố gắng thay đổi kết quả.

“Có một sự thật là nếu chúng ta có một thông điệp mạnh, nếu chúng ta đề cập đúng đến những gì người dân Mỹ đang quan tâm thì số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri sẽ không mâu thuẫn nhau” - theo Tổng thống Obama. AFP nhận định ông Obama rõ ràng muốn ám chỉ đến những chiến thắng của ông trong các năm bầu cử 2008 và 2012.

GS David Pozen tại Trường Luật Columbia, dù không thay đổi được kết quả nhưng sự kiện bỏ phiếu năm nay của đại cử tri đoàn sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải thay đổi.

Đã và đang có rất nhiều ý kiến lên án hệ thống đại cử tri đi ngược lại với nguyên tắc “một người, một phiếu bầu”, cũng như khiến cho các ứng viên tổng thống chỉ tập trung vận động ở một số bang nhiều phiếu đại cử tri chứ không vận động đồng đều ở các địa phương.

Dù làn sóng chỉ trích đã xuất hiện hàng thập niên trước và ngày càng tăng nhưng hiện tại vẫn chưa có sửa đổi chính thức nào.

Bà Clinton cũng từng kêu gọi thay đổi hệ thống đại cử tri từ tháng 11-2000. Tháng 11-2012, bản thân ông Trump cũng từng gọi hệ thống đại cử tri là “một thảm họa với sự dân chủ”. Tuy nhiên sau chiến thắng ngày 8-11, ông Trump lại gọi hệ thống đại cử tri là một hệ thống xuất sắc được thiết kế để đưa vị thế các bang lớn nhỏ ngang bằng với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm