Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan từ năm 1979, công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngày gần đây Tổng thống đắc cử Mỹ Donald J. Trump liên tục có những động thái khiến Trung Quốc khó chịu.
Ngày 2-12, ông Trump trở thành lãnh đạo Mỹ đầu tiên phá vỡ chính sách ngoại giao Mỹ đã có với Trung Quốc từ năm 1979 khi có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Ngay sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối cuộc điện đàm này, ông Trump đã phản ứng rằng Trung Quốc không nên bảo một tổng thống Mỹ nên làm gì và không được làm gì. Ông Trump đồng thời còn chỉ trích các chính sách tiền tệ và quân sự của Trung Quốc.
Ngày 11-12, ông Trump tuyên bố thẳng ông thấy Mỹ không nhất thiết phải ràng buộc với chính sách “một Trung Quốc”. Theo ông Trump, Mỹ có thể sử dụng điều này như một con bài thương lượng trong các vấn đề khó nhằn với Trung Quốc như vấn đề tiền tệ, hay hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo New York Times, với những động thái này, ông Trump đã đụng đến một vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong cái gọi là “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, nếu Mỹ chính thức công nhận Đài Loan, Trung Quốc sẽ cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Dù chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng tại Đài Loan hiện vẫn có Viện Mỹ - được coi như là đại sứ quán không chính thức của Mỹ ở Đài Loan. Mỹ còn bán nhiều vũ khí tiên tiến cho Đài Loan.
Theo New York Times, nếu ông Trump làm căng, có năm cách Trung Quốc có thể làm khó ông Trump và chính phủ mới của ông.
Thương mại và đầu tư
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, Trung Quốc có rất nhiều cách trả đũa ông Trump. Một mục tiêu dễ thấy là tập đoàn Boeing, nơi mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đến thăm nhà máy ở TP Seattle tháng 9-2015.
Boeing đang có đơn hàng bán máy bay cho Trung Quốc trị giá 11 tỉ USD. Thời báo Hoàn cầu cảnh cáo Trung Quốc hoàn toàn dễ dàng bỏ đơn hàng của Boeing, chuyển sang đối thủ Airbus. Thời báo Hoàn cầu ngày 12-12 có bài bình luận gọi ông Trump là “đứa trẻ khờ khạo về chính sách đối ngoại”.
“Về vấn đề kinh tế, Trung Quốc có rất nhiều món để chơi với ông Trump. Nếu chúng tôi cảm thấy ông Trump đang làm khó chúng tôi về vấn đề Đài Loan, chúng tôi sẽ hành động” - New York Times dẫn lời ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ tại ĐH Phục Đán.
Các quan chức thương mại Mỹ cũng lo lắng rằng Trung Quốc có thể sẽ tăng phân biệt đối xử với các công ty công nghệ Mỹ dùng luật chống độc quyền của mình. Năm ngoái, công ty điện tử Qualcomm của Mỹ đã chịu nộp cho chính phủ Trung Quốc 975 triệu USD để dàn xếp một vụ kiện chống độc quyền.
Giám đốc điều hành Qualcomm Steve Mollenkopf trong một cuộc họp báo ở Trung Quốc năm 2015. Ảnh: DAILY TECH
Từ trước đây vài năm đã có lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ bất ngờ sẽ bán tháo một lượng lớn trái phiếu tài chính Mỹ. Lo ngại này dần giảm bớt khi Trung Quốc đúng là có bán bớt trái phiếu Mỹ nhưng bán dần dần chứ không bán bất ngờ một lượng lớn.
Chuyên gia Brad Setser tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết thời điểm tháng 3-2014, Trung Quốc sở hữu lượng trái phiếu trị giá 1.650 tỉ USD, số lượng này giảm xuống 1.300 tỉ USD hiện nay.
Một khả năng khác là Trung Quốc cũng có thể giảm giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn tới hậu quả là sẽ có nhiều người Trung Quốc mang tiền ra khỏi đất nước, cũng như gia tăng lạm phát.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể chỉ đạo các công ty thuộc sở hữu nhà nước và cả công ty tư nhân giảm đầu tư vào Mỹ. Một nghiên cứu gần đây của tổ chức chính sách kinh tế Rhodium Group (Mỹ) cho thấy từ năm 2015, lượng người Trung Quốc đầu tư vào Mỹ đã vượt quá lượng người Mỹ đầu tư vào Trung Quốc.
Triều Tiên
Ngày 11-12, ông Trump có nói “ thật sự thì Trung Quốc không giúp gì chúng ta về Triều Tiên”. Trong khi đó theo New York Times, Trung Quốc có hợp tác với Mỹ ở một số sáng kiến kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên. Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ tháng trước nhắm vào xuất khẩu than - nguồn thu ngoại tệ chính của Triều Tiên.
Công nhân TP Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) bốc dỡ than nhập khẩu từ Triều Tiên. Ảnh: HANKYOREH
Vì bất mãn ông Trump, Trung Quốc có thể thay vì làm một đồng minh miễn cưỡng với Triều Tiên như hiện tại sẽ chọn trở thành một láng giềng thân thiết với Triều Tiên. Trung Quốc hiện đã rất giận với quyết định của Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc, mà Trung Quốc cho là nhằm hạn chế năng lực quân sự của mình.
Theo nhà phân tích John Delury, Trung Quốc có thể chọn hình thức cải thiện thương mại, hỗ trợ và đầu tư để tăng kinh tế cho Triều Tiên. Ngoài ra, là một đồng minh, Trung Quốc cũng có thể tăng tập trận quân sự với Triều Tiên.
Biến đổi khí hậu
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bỏ nhiều công sức để Trung Quốc đồng ý với hiệp định chống biến đổi khí hậu quốc tế, vốn ràng buộc hai nước thải khí thải nhiều nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cắt giảm bớt lượng khí thải.
Nhiều người chỉ trích ông Obama không khiến được Trung Quốc mở cửa thị trường, làm ngơ với việc Trung Quốc cải tạo hiện trạng và quân sự hóa biển Đông, và yên lặng về các chính sách nhân quyền của Trung Quốc chỉ để Trung Quốc ký vào hiệp định biến đổi khí hậu.
Từ trái sang: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ trao các văn kiện Hiệp định Paris ngày 3-9 tại Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Đổi lại, những cam kết của Trung Quốc trong hiệp định chống biến đổi khí hậu lại khá khiêm tốn và phục vụ những mục tiêu của Trung Quốc chứ không theo áp lực của Mỹ.
Hiệp định kêu gọi Trung Quốc bắt đầu giảm khí thải vào năm 2030 nhưng không đề cập mục tiêu giảm cụ thể, như Tổng thống Obama đưa ra cam kết của Mỹ.
Nếu ông Trump làm quá, ông Tập Cận Bình có thể sẽ không tuân thủ hiệp định khí hậu. Tuy nhiên, theo New York Times, việc làm này của ông Tập Cận Bình có thể chẳng có ý nghĩa gì lớn với ông Trump. Ông Trump có lúc đã gọi vấn đề biến đổi khí hậu là một âm mưu của Trung Quốc để làm tổn thương thương mại của Mỹ.
Đài Loan
Nếu ông Trump ủng hộ Đài Loan, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc có thể sẽ là trừng phạt Đài Loan chứ chưa phải là Mỹ, nhằm làm giảm giá trị của Đài Loan với Mỹ.
Trung Quốc có thể bắt đầu với việc tăng nỗ lực thuyết phục 22 thể chế nhỏ trên thế giới - trong đó có Vatican - hiện vẫn công nhận Đài Loan là một nước và có quan hệ ngoại giao cắt đứt quan hệ với Đài Loan, thay vào đó công nhận Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
Tiếp theo, Trung Quốc có thể nhắm tới kinh tế Đài Loan bằng cách giảm đầu tư, hạn chế du khách Trung Quốc đến Đài Loan.
Hình ông Trump bên cạnh lá cờ Trung Quốc. Ảnh: EPA
Đài Loan hiện là một lãnh thổ tự trị. Trung Quốc lo ngại các động thái của ông Trump sẽ khuyến khích Đài Loan tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc hoặc một số nước khác sẽ bắt chước Mỹ mà công nhận Đài Loan.
Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại ĐH Nhân dân (Bắc Kinh), nếu lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố độc lập, Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh với Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông bà Thái Anh Văn sẽ không là thế.
Iran
Trung Quốc là một nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Từ khi Iran được dỡ bỏ nhiều trừng phạt, Trung Quốc được rộng cửa giao dịch với Iran - từng là đối tác kinh tế thân thiết trước kia. Thông qua Iran, Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, với mục tiêu là làm yếu đi uy tín của Mỹ ở khu vực.
Nhóm P5+1 và Iran trong một cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ ngày 30-3-2015. Ảnh: PRESS TV
Ông Trump từng cảnh cáo sẽ hủy bỏ và thương lượng lại thỏa thuận. Theo nhà nghiên cứu về năng lượng và an ninh quốc gia Edward C. Chow tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIC-Mỹ), trường hợp này xảy ra, Trung Quốc vẫn sẽ giữ quan hệ thương mại với Iran và nỗ lực cô lập Mỹ ở Trung Đông. Khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Iran là sang Trung Quốc. Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng lớn nhất vào Iran.
Nói cách khác là nếu ông Trump làm Trung Quốc phật lòng thì Trung Quốc sẽ thắt chặt quan hệ với Iran để đối phó Mỹ.