Tại sao chúng ta chống tham nhũng quyết liệt như thế mà tham nhũng vẫn tiếp tục xảy ra? Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt câu hỏi như vậy, ngay sau khi nổ ra đại án Việt Á.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư, đại biểu Quốc hội (QH) Trương Trọng Nghĩa có phân tích rất sâu về vấn đề này.
Chưa xử lý người có nghĩa vụ phòng ngừa
. Phóng viên: Phát biểu tại QH tuần trước, ông có đề nghị các cơ quan của QH cần phải cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật và cả giới luật sư rà soát công tác điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng vừa qua. Tại sao vậy?
+ Ông Trương Trọng Nghĩa: Phải khẳng định là đại đa số người dân ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN). Hàng loạt vụ việc, hàng loạt quan chức hư hỏng vừa qua bị đưa ra xét xử, hoặc ít nhất bị kỷ luật đảng cho thấy thành tựu của công tác PCTN, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Chính trị, nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có những vụ tưởng đã “chìm xuồng”, có những quan chức cấp rất cao tưởng như bất khả xâm phạm đã phải ra pháp đình.
Luật sư - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tranh luận trong phiên họp tại hội trường |
Tuy nhiên, qua nghề nghiệp của mình, qua gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, nhất là giới doanh nhân, tôi thấy còn một số băn khoăn.
Tại sao những vụ việc ấy không được phát hiện từ sớm, để đến lúc này đưa ra xử lý thì hậu quả rất nặng nề, thậm chí không thể khắc phục được?
Mỗi vụ việc xảy ra ít nhiều đều có sự bao che, làm ngơ, lợi ích nhóm, thậm chí tham nhũng từ các cơ quan, viên chức quản lý. Nhưng có vẻ nhiều trường hợp, khi “đánh án” thì chỉ nhằm vào đối tượng vi phạm trực tiếp, còn những người có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm nhưng không làm đầy đủ, tại sao không bị xử lý?
Những vụ như vụ Việt Á, “bay giải cứu giá cao”, vụ gian lận chứng khoán và trái phiếu gây tổn thất rất lớn về cán bộ. Nhiều người trong số đó đã đào luyện, thử thách trải qua nhiều cấp, nhiều cương vị lãnh đạo, là nguồn nhân lực cấp cao cả về quản lý, cả về chuyên môn y tế, ngoại giao. Tổn thất cán bộ ấy rất chua xót, khó đong đếm.
Chúng ta thiết kế một hệ thống chính trị có đầy đủ các cơ quan dân cử, các đoàn thể, rồi chi bộ đảng xuống cơ sở. Cùng với đó là tầng tầng, lớp lớp các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đảng ta cũng khẳng định trong PCTN thì phòng là chính, là thường xuyên, là trước hết. Vậy tại sao lại để tham nhũng nghiêm trọng như vậy?
Đó chính là băn khoăn của người dân, của cử tri mà tôi đã chia sẻ.
Khi tham nhũng trở thành "văn hóa"…
. Có vẻ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng băn khoăn như thế. Vụ Việt Á nổ ra, tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN, tiêu cực, ông đã đặt câu hỏi: Tại sao chống tham nhũng đã quyết liệt như vậy mà tham nhũng nghiêm trọng vẫn xảy ra? Theo ông, nguyên nhân là gì?
+ Có doanh nhân nước ngoài nhận xét ở ta có cái gọi là “văn hóa phong bì”.
Một bộ phận người dân, doanh nghiệp đã thỏa hiệp, chấp nhận chi tiền để được việc. Một bộ phận quan chức, người có trọng trách trong quản lý nhà nước thì cũng coi việc bôi trơn là đương nhiên, là bình thường. Hàng chục lãnh đạo, cán bộ y tế trên khắp cả nước dính vào Việt Á là ví dụ điển hình.
. Có thể hiểu khi ấy tham nhũng manh nha thành “văn hóa” nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng, đời sống người dân vẫn ngày một khấm khá. Có mâu thuẫn không?
+ Số lượng tỉ phú nhiều hơn, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo nhưng tội phạm nói chung, tham nhũng nói riêng cũng tăng theo thì đó là dấu hiệu của phát triển chệch hướng, không bền vững.
Vụ việt á đã làm nhiều cán bộ ở Bộ Y tế, bộ KH&CN, Học viện Quân y và nhiều lãnh đạo CDC |
Vậy nên hôm rồi ở QH, tôi có ý kiến là cùng với chăm lo phát triển kinh tế thì chúng ta càng phải tạo ra môi trường để tội phạm giảm đi, làm sao phát hiện sớm để ngăn chặn sớm.
Tôi cho rằng nghèo đói, bất công, thất nghiệp, tàn phá môi trường sống, giáo dục xuống cấp, tệ quan liêu, hách dịch trong bộ máy công quyền chính là nguyên nhân, tác nhân khách quan của tội phạm. Vậy thì cả hệ thống chính trị - xã hội phải vào cuộc xóa bỏ những tác nhân ấy.
Việc này, một mình Nhà nước không thể làm được. Tôi cho rằng cần tạo cơ chế để xã hội, công dân tham gia trực tiếp. Có vậy, PCTN, tiêu cực mới bền vững.
Nhìn lại 10 năm BCĐ do Tổng bí thư làm trưởng ban
. Đây là thời điểm để tổng kết, đánh giá 10 năm BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực theo mô hình BCĐ của Đảng, do Tổng bí thư trực tiếp làm trưởng ban. Cũng là 10 năm đẩy mạnh “chống” để “phòng”. Ông đánh giá thế nào?
+ Các điều tra, khảo sát hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, ghi nhận ý kiến người dân đều cho thấy những đánh giá tích cực. Có vẻ tham nhũng đỡ thô bạo, đỡ ngang nhiên, đỡ công khai hơn. Nhưng kín đáo và những gì kiểu như “văn hóa” ta thấy ở vụ Việt Á là vẫn còn phổ biến. Điều đó cho thấy “chống” về mặt nào đó đã có tác dụng “phòng”.
Nhưng sẽ khó có cải thiện về thực chất, nếu không thay đổi được môi trường, điều kiện phạm tội. Chừng nào người dân, doanh nghiệp thay vì thỏa hiệp, chấp nhận chi tiền để được việc chuyển sang phản kháng, đấu tranh trực diện với sự nhũng nhiễu của công quyền thì lúc đó mới có thể tạo bước ngoặt.
Để ngày ấy đến sớm, tôi cho rằng chúng ta phải sửa luật, phải có cơ chế thuận lợi cho việc tố giác tội phạm tham nhũng. Chứ như BLHS hiện nay thì khó thuyết phục người đưa hối lộ hợp tác với cơ quan pháp luật để tố giác, xử lý kẻ nhận. Ngoài ra, người đứng đầu phải siết chặt kỷ luật và trách nhiệm công vụ của cấp dưới, xử lý các trường hợp cố ý gây khó khăn, trì hoãn giải quyết yêu cầu của người dân để vòi vĩnh, kiếm chác.
. Đẩy mạnh “chống” xdường như đã mang tới những hệ lụy không mong muốn. Từ Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đến Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đều đề cập tới hiện tượng có tiền mà không dám tiêu. Thậm chí quan trọng như thuốc men, vật tư y tế mà các bệnh viện ngại đấu thầu, mua sắm vì sợ. Là người làm nghề luật, ông nghĩ sao?
+ Hệ thống pháp luật của ta hình thành trong thời gian dài, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, tiềm ẩn không ít xung đột, chồng chéo hoặc có cách hiểu khác nhau. Hệ thống hành chính công vụ thì thiếu chuyên nghiệp. Nhiều quyết định, hành vi được dựa trên kết quả của những cuộc họp tập thể cấp ủy, ủy ban, hội đồng mà biên bản ghi lại không đầy đủ, rõ ràng.
Vừa qua, không ít vụ việc xảy ra từ cả 10 năm trước, nay mới khởi tố. Bị tạm giam, các bị can không có điều kiện tìm kiếm, tiếp cận tài liệu để trình bày, giải thích một cách hệ thống, xác thực.
Cần chống tham nhũng trong chính lực lượng chống tham nhũng
Trong kháng chiến, có những người kiên trung, bất khuất, cũng có những kẻ nhụt chí, đầu hàng. Kháng chiến thắng lợi là do loại người thứ nhất rất đông, còn loại thứ hai là thiểu số.
Trong thời bình cũng vậy, có hai loại cán bộ, công chức. Loại thứ nhất, dù nghèo, dù thiếu thốn vẫn cố gắng làm tròn nhiệm vụ và giữ mình trong sạch. Loại thứ hai luôn tìm cách trục lợi cho bản thân, dù đó là nhận hối lộ, bắt chẹt người dân, toa rập với doanh nghiệp xấu để bòn rút tài sản công.
Chúng ta không thể để cho loại thứ hai tăng lên và thậm chí leo lên những cương vị quyền lực cao để trục lợi nhiều hơn và chống lại những người dám đấu tranh, tố cáo. Đồng thời phải có chính sách, cơ chế để bảo vệ và phát triển đội ngũ thứ nhất.
Tổng bí thư từng đặt vấn đề chống tham nhũng ngay trong chính lực lượng PCTN. Đây là điều vô cùng quan trọng, thậm chí là quyết định để cuộc chiến này đi đến thành công.
Trong khi đó, để mau chóng kết thúc điều tra, có vẻ một số cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng không đầy đủ hoặc trái nguyên tắc suy đoán vô tội. Không cần tạm giam vẫn tạm giam; điều kiện tạm giam khắc nghiệt; hỏi cung thì theo hướng truy bức, suy đoán có tội, mớm cung, bức cung; không tạo điều kiện cho bị can được thu thập chứng cứ hay được có luật sư tư vấn sớm và đầy đủ như luật định.
Trong một số vụ án, việc truy tố, xét xử, việc đánh giá lỗi, phân xử vai trò và trách nhiệm từng người để định tội, lượng hình cũng như việc bào chữa của luật sư không được quan tâm đầy đủ. Những bản án như vậy, bị can, bị cáo, đương sự có liên quan khó tâm phục…
Báo chí cũng góp phần vào chuyện này, khi vô tình trở thành công cụ định hướng trước cho việc điều tra, truy tố, xét xử, không đúng với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Tình hình trên làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa của chống tham nhũng, khiến không ít cán bộ, công chức tránh né trách nhiệm, không dám quyết định, bởi từ thực tế ấy họ hiểu rằng có làm có sai thì không làm sẽ an toàn hơn.
. Xin cám ơn ông!
......................................................
Nên chăng cho cán bộ đương chức tham quan nhà tù?
Việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua quyết liệt chỉ đạo để thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế cũng nằm trong chủ trương phòng ngừa, khắc phục những yếu kém, hạn chế trước đây về mặt “chống”. Thông qua các vụ việc, vụ án cụ thể được xử lý nghiêm sẽ răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, các cơ quan chức năng cũng cần cởi mở với báo chí, hiểu biết và theo kịp truyền thông hiện đại để phát huy được giá trị răn đe, phòng ngừa qua mỗi vụ việc cụ thể.
Có nhiều kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng trên thế giới có thể học hỏi. Ở Trung Quốc, họ cho phạm nhân bị kết án tham nhũng đi nói chuyện; tổ chức đoàn cán bộ tham quan nhà tù, thảo luận rộng rãi các bài học từ các vụ án, án kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật...
Còn Singapore thì cùng với việc trả lương cao, họ còn trích 5% lương lập quỹ dự phòng và tỉ lệ sẽ tăng dần. Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó. Còn nếu phạm tội tham nhũng, số tiền đó bị trưng thu.
Kinh nghiệm tốt về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên thế giới thì nhiều. Nhưng để phù hợp với giai đoạn hiện nay ở nước ta thì tôi cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trong sạch. Trong đó, trước hết cần sớm cải cách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức.
Đại biểu quốc hội HOÀNG MINH HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
........................................
58 cán bộ bị khởi tố, bắt giam liên quan vụ Việt Á
Chỉ trong hơn năm tháng (từ giữa tháng 12-2021 đến nay), cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam 58 người liên quan vụ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Ngày 10-12-2021, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an mở đầu vụ án này bằng việc khám xét 16 địa điểm tại tám địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Bình Dương, Long An... Sau đó công an khởi tố Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á và những người ở công ty này. Tiếp đến, nhiều cán bộ cấp vụ tại Bộ Y tế, Bộ KH&CN bị khởi tố do liên quan đến vụ việc này.
Tháng 3-2022, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng bắt tạm giam thượng tá Hồ Anh Sơn, phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự và đại tá Nguyễn Văn Hiệu, trưởng Phòng Trang bị, vật tư Học viện Quân y.
Hôm 25-5, ông Nguyễn Huỳnh, phó trưởng Phòng Quản lý giá thuộc Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tiếp tục bị bắt.
Ở các tỉnh, thành, ngày 27-5, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố ông Trịnh Quang Trí - giám đốc CDC tỉnh này cùng bốn thuộc cấp và một nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á tại Đắk Lắk và Tây Nguyên. Cùng ngày, Công an tỉnh Phú Thọ bắt tạm giam ông Trần Gia Phú, phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc BV đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Trước đó, nhiều cán bộ, lãnh đạo CDC các tỉnh, thành ở Nghệ An, Bình Dương, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Hà Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh… bị khởi tố, bắt giam do vi phạm về quy định đấu thầu, tham ô tài sản.
Đến thời điểm hiện tại, có bốn cán bộ thuộc Bộ Y tế và Bộ KH&CN, bảy người của Công ty Việt Á, hai lãnh đạo của Học viện Quân y, 33 lãnh đạo và nhân viên CDC của 11 tỉnh/thành và Sở Y tế, bảy cán bộ tại các bệnh viện và năm người tại một số công ty liên quan bị khởi tố, bắt giam.
Chưa kể, nhiều địa phương như Cà Mau, Khánh Hòa, Sơn La, Bạc Liêu cũng khởi tố hoặc chuyển hồ sơ cho công an thụ lý sau thanh tra.
Liên quan đến Việt Á, nhiều cán bộ đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư kỷ luật (cảnh cáo tám người, khiển trách bảy người, đề nghị kỷ luật bốn người, khai trừ Đảng năm người). Trong đó có những lãnh đạo ở Học viện Quân y, Bộ KH&CN và Bộ Y tế.