Sáng 4-4, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT với chủ đề “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền” đã diễn ra tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phát triển nông nghiệp đại điền nhìn từ thực tiễn tại Thái Bình.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, cho biết tại Thái Bình, hiện số hộ có diện tích từ 2ha trở lên là hơn 1.700 hộ, trong đó có những hộ có diện tích lớn đến gần 70ha.
Đặc biệt, một tổ chức đang hình thành là hội đại điền. Trong tổng số hơn 1.700 hộ có diện tích hơn 2ha, hội đại điền đã quy tụ được khoảng gần 200 thành viên ở rải rác toàn tỉnh. Một số hội đại diện đã gom ruộng vào và thành lập hợp tác xã.
Diễn đàn có sự tham gia đông đảo của nhiều nông dân, hộ đại điền, hợp tác xã. |
Thông tin cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, cho biết Thái Bình là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hằng năm đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 13 tấn/ha.
Khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã hình thành tư tưởng phát triển quy mô lớn, mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác. Vượt qua khó khăn bước đầu, một số mô hình đã đạt thành công nhất định, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương.
Từ năm 2015 đến 2020, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã tạo nên những chuyển biến lớn. Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan hỗ trợ máy gặt, máy cáy cho nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025.
“Tổng kết chính sách này Thái Bình gần như cơ giới hoá 100% khâu làm đất, thu hoạch và từng bước cơ giới hoá cấy, hiện đang bước sang cơ giới hoá sấy, giúp giảm chi phí trong lao động rất lớn” - bà Nga cho hay.
Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng nêu ý kiến tại diễn đàn. |
Đơn cử như tại huyện Đông Hưng, theo ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, huyện Đông Hưng đã khuyến khích các hộ dân đổi ruộng, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất, nhất là các diện tích bị bỏ hoang để đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất/ha đất nông nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 500 hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa với quy mô từ 1ha trở lên, đạt khoảng 1.200 ha. Trong đó hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên là 67 hộ, hộ có diện tích tích tụ từ 20 ha/hộ có 1 hộ, hộ có diện tích từ 10 ha trở lên có 17 hộ.
“Các hộ này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang hóa trên địa bàn huyện. Nếu năm 2018, diện tích ruộng bỏ hoang hoá trên địa bàn huyện có khoảng gần 400 ha thì đến năm 2023 chỉ còn hơn 30 ha, và đa số là những diện tích khó cày cấy” - ông Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được thì hiện công tác tích tụ đất đai, phát triển sản xuất hàng hoá tập trung ở Thái Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Một đại điền sở hữu 20 ha diện tích cách tác ở huyện Vũ Thư, ông Nguyễn Văn Nghị, cho rằng các nông dân vẫn đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ máy móc của nhà nước, thủ tục hành chính về tiếp cận hỗ trợ còn vướng mắc.
Ông Nghị đề xuất, cần điều kiện về pháp lý và hành chính để người nông dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với sự hỗ trợ, nhanh chóng có máy móc để phục vụ sản xuất.