Sáng 25-8, Tập đoàn FLC tổ chức lễ khởi công Trường ĐH FLC tại khu đô thị ĐH FLC Quảng Ninh, TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Các đại biểu nhấn nút khởi công Trường ĐH FLC tại Quảng Ninh.
“Đào tạo toàn diện” theo chất lượng quốc tế
Trường ĐH FLC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập vào ngày 3-6-2019 với quy mô 50 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng. Trường được xây dựng tại khu đô thị ĐH FLC Quảng Ninh, thuộc phường Hà Lầm và phường Hà Trung.
Đây là một tổ hợp hoàn chỉnh với diện tích dự kiến hơn 700 ha, được kiến tạo để trở thành một mô hình đầu tiên đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế kết nối hệ sinh thái đô thị thông minh, quần thể nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Điểm nhấn độc đáo và khác biệt của mô hình này là lấy Trường ĐH FLC làm hạt nhân trung tâm. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị thông minh, khu thương mại dịch vụ... với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ sẽ đóng vai trò như những vệ tinh phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập và huấn luyện nghề nghiệp của học viên.
Thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa trường học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, mô hình này được kỳ vọng giải quyết tình trạng “sinh viên ra trường phải đào tạo lại về kỹ năng” đang là một trong những thách thức lớn của giáo dục Việt Nam.
Với định hướng đào tạo đa ngành, trong đó tập trung vào ba lĩnh vực mũi nhọn là du lịch, hàng không và công nghệ cao trong giai đoạn đầu, ĐH FLC dự kiến quy mô đào tạo 600 sinh viên trong mùa tuyển sinh đầu tiên vào cuối năm 2020 và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024, 20.000 sinh viên vào năm 2035.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định một cơ sở giáo dục tiêu chuẩn quốc tế như Trường ĐH FLC sau khi vận hành sẽ là bước tiến mới cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà còn của cả đất nước.
“Với ý nghĩa là công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai thực hiện, đi vào hoạt động…” - ông Thắng nhấn mạnh.
Mô hình đại học tư thục không vì lợi nhuận
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ĐH FLC có định hướng đúng khi tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề mang tính trọng điểm, là động lực của sự tăng trưởng hiện nay như du lịch, hàng không, công nghệ cao.
“Chúng ta có nhiều trường tư thục nhưng có rất ít trường đáp ứng được về quy mô, chất lượng. Trong khi đó với mô hình đô thị đại học, cần phải tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để sinh viên không chỉ học tập, nghiên cứu mà còn định hướng nghề nghiệp tương lai” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ để trường sớm đi vào hoạt động, trở thành điểm sáng trong các trường ĐH của Việt Nam.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC.
Bên cạnh ưu điểm vượt trội về phương pháp đào tạo, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung cho biết ĐH FLC hoạt động theo mô hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận. 100% lợi nhuận thu được của trường sẽ được tái đầu tư nhằm phát triển hệ thống, nâng cấp cơ sở vật chất…
“Với sự tuyển chọn kỹ lưỡng từ đầu vào cùng phương pháp và chương trình giảng dạy tuân theo các chuẩn mực quốc tế, 100% sinh viên sau khi ra trường sẽ có cơ hội việc làm tốt nhất không chỉ tại hệ sinh thái của Tập đoàn FLC mà còn tại các doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế” - bà Hương Trần Kiều Dung khẳng định.
Hợp tác quốc tế Trong khuôn khổ lễ khởi công, nhiều thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác về phát triển giáo dục giữa Tập đoàn FLC và các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế đồng thời diễn ra gồm: Nhận văn bản cam kết đầu tư từ ĐH RMIT Australia; ký biên bản ghi nhớ hợp tác với ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Tư pháp và ĐH West of England, Bristol, Anh - một trong những trường đào tạo ĐH và sau ĐH uy tín bậc nhất nước Anh. |