Tại đây có khu ký túc xá sinh viên Ngô Gia Tự, trước năm 1975 gọi là đại học xá Minh Mạng. Hầu hết sinh viên ở đại học xá Minh Mạng từ các tỉnh - đông nhất là sinh viên miền Trung. Tôi không đăng ký ở đại học xá, chỉ thỉnh thoảng đến chơi với mấy người bạn đồng hương. Rồi ghiền cái không khí tập thể nên dọn tới ở ké với bạn trên lầu ba. Khu lầu này mới xây, thiết kế mỗi phòng hai giường đôi cho bốn người, dành cho các sinh viên có đăng ký “chính quy”. Còn tôi ở ké “du kích” nên phải trải chiếu nằm dưới đất. Những chiều cuối tuần, hai, ba đứa rủ nhau tản bộ ra ngã sáu Nguyễn Tri Phương, mỗi đứa 10 đồng kêu một thau nghêu luộc 3 đồng và một chai bia con cọp 7 đồng, ngồi lai rai cho đỡ nhớ nhà…
Năm 1970, khi trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn ở 207 Hồng Bàng, đối diện đại học xá Minh Mạng chừng hơn trăm thước, bị cảnh sát vào lục soát và chiếm đóng, tổng hội phải dời tạm qua tị nạn ở đại học xá Minh Mạng. Thế là cảnh sát dã chiến vây kín cả đoạn đường phía trước. Mỗi gốc cây cổ thụ cómột cảnh sát mặc áo giáp, cầm cả khiên, ôm súng đứng gác. Hằng ngày sinh viên đi học phải đi ngang qua hai hàng cảnh sát dã chiến. Đêm đến, cảnh sát chĩa loa phát thanh vào đại học xá chửi “bọn sinh viên ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Cứ mỗi lần cảnh sát phát loa thì anh em sinh viên cả khu lấy hết các thau nhôm ra đánh rầm rập, hay dùng những cây sắt cột mùng đập vào mấy cây sắt lan can hoặc bất cứ thứ gì có thể phát ra âm thanh tốt nhất đánh lên inh ỏi để át mất tiếng loa chửi. Sau đó sinh viên bắc loa chửi cảnh sát “làm tay sai cho bọn phản dân hại nước” - đại loại thế. Cảnh sát lại cho hú còi inh ỏi, át cả tiếng loa sinh viên. Một đêm cuối năm 1970, cảnh sát dã chiến tràn vào đại học xá lùng sục bắt mấy sinh viên cầm đầu – mà anh em gọi là “lãnh tụ”. Mấy anh leo lên sân thượng, rút cầu thang nhưng cảnh sát bắn lựu đạn cay lên sân thượng và quăng thang dây leo lên hốt hết đưa về Nha cảnh sát Đô thành. Đêm đó tôi lên sân thượng hóng mát nên cũng bị hốt về tổng nha, mấy đêm liên tiếp bị đánh tra khảo tơi tả. Sau khi không tra hỏi được gì và chẳng có bằng chứng “cộng sản nằm vùng”, họ thả tôi và mấy bạn nữa nhưng trục xuất về nguyên quán. Mãi vài tháng sau, khi một ông tướng về thay viên đại tá làm tân tư lệnh cảnh sát quốc gia ký lệnh “ân xá” đám sinh viên bị trục xuất, bọn tôi mới được quay lại Sài Gòn tiếp tục học.
Cũng trong năm 1970, lực lượng thương phế binh phát động phong trào “người cày có ruộng, thương phế binh có nhà”. Phong trào lan nhanh. Họ vác nạng gỗ, chạy xe lăn ào ạt đi chiếm vỉa hè các con đường lớn, “cắm dùi” xây dựng nhà tạm chớp nhoáng. Đối diện khu đại học xá, lề đường rất rộng lại không có nhà cửa nên chỉ trong mấy ngày, thương phế binh đã chiếm và xây xong một dãy mấy chục căn nhà. Sau đó họ bán lại cho mấy người Hoa ở Chợ Lớn. Cũng chỉ vài tháng sau, chính quyền đã cho xe ủi, xe xúc đến giải tỏa sạch. Một đoạn đường tuyệt đẹp và thơ mộng bỗng trở nên quá ồn ào và lộn xộn kinh khủng.
Cuối năm 1971, cùng với cao trào chống sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam, chống quân sự học đường, sinh viên tiếp tục biểu tình chống cuộc bầu cử “độc diễn” của liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương. Thời điểm này, quanh khu vực đại học xá chịu một áp lực khủng khiếp. Những chiếc xe Mỹ bị sinh viên ném bom xăng đốt cháy, rồi những lựu đạn cay được cảnh sát dã chiến đáp trả mù mịt cả một vùng…
Bây giờ sau gần nửa thế kỷ, mỗi khi có dịp đi ngang qua khu đại học xá Minh Mạng ngày xưa, tôi lại nao nao nhớ những bạn bè xưa kẻ còn người mất. Nhiều bạn bè thành đạt trong cuộc sống nhưng có người bất hạnh đeo mang…