Ngày 24-9, phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 79 chính thức khai mạc tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ) trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng LHQ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự lễ khai mạc và phát biểu tại phiên thảo luận chung.
Lo ngại thế giới phân cực
Năm nay, phiên thảo luận chung cấp cao có chủ đề bao trùm là "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau", kéo dài từ ngày 24 đến 30-9, theo trang UN News. Phiên họp có sự tham dự của 155 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các quốc gia thành viên LHQ, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực.
Tại sự kiện, các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng sẽ tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức toàn cầu đan xen nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang cho biết phiên thảo luận cấp cao thường niên “vẫn là một trong những nền tảng toàn diện, đại diện, tiêu biểu và có thẩm quyền nhất thế giới để phản ánh toàn cầu về hành động tập thể”.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với loạt thách thức, từ các cuộc xung đột ở Ukraine, Gaza, sự gia tăng bất ổn về biến đổi khí hậu, đói nghèo đến trí tuệ nhân tạo (AI). Người đứng đầu LHQ cảnh báo rằng các chia rẽ địa chính trị đang ngày càng sâu sắc, nhiệt độ trên toàn thế giới đang tăng lên, các xung đột đang ác liệt và không có hồi kết, cùng các động thái liên quan hạt nhân và vũ khí mới đang “phủ bóng đen” lên toàn cầu.
“Thế giới của chúng ta đang trong cơn lốc xoáy. Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên chuyển đổi mạnh mẽ và đối mặt với những thách thức chưa từng thấy - những thách thức đòi hỏi các giải pháp toàn cầu” - ông Guterres phát biểu.
Theo ông Guterres, có hai “sự thật quan trọng nhất” mà nhân loại đang đối mặt, đó là tình trạng thế giới hiện nay không bền vững và những thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có sự đảm bảo rằng các cơ chế giải quyết vấn đề quốc tế thực sự giải quyết được vấn đề đó. Để làm được điều đó, các quốc gia cần phải đương đầu với ba động lực của "sự không bền vững", gồm (1) sự miễn trừ - nơi các hành vi vi phạm và lạm dụng đe dọa nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; (2) sự bất bình đẳng - nơi sự bất công làm suy yếu các quốc gia hoặc thậm chí đẩy các nước này đến bờ vực; (3) sự bất ổn - nơi những rủi ro toàn cầu không được quản lý.
“Đó là lý do tại sao việc tái khẳng định Hiến chương, tôn trọng luật pháp quốc tế, hỗ trợ và thực hiện các quyết định của tòa án quốc tế và củng cố quyền con người trên thế giới lại quan trọng hơn bao giờ hết” - theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Hợp tác quốc tế - công cụ giải quyết các vấn đề toàn cầu
Tại ngày đầu tiên của phiên thảo luận chung cấp cao, các lãnh đạo thế giới đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng.
Về các cuộc xung đột đang diễn ra hiện nay ở Ukraine, Trung Đông, và nhiều nơi khác, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Ông Yang đặc biệt kêu gọi chấm dứt bạo lực giữa Hamas và Israel, ủng hộ việc thả tự do vô điều kiện cho các con tin và giải pháp hai nhà nước để đảm bảo hòa bình lâu dài và phẩm giá cho cả người Palestine và Israel.
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập số người chết và nỗi đau mà những người dân thường vô tội phải chịu đựng ở cả hai bên trong cuộc xung đột Israel-Hamas. Ông Biden kêu gọi các bên hoàn tất các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn, đưa các con tin về nhà và đảm bảo an ninh cho Israel cũng như kết thúc cuộc chiến ở Gaza. Tương tự, các nhà lãnh đạo khác tại phiên thảo luận chung cấp cao ngày đầu tiên cũng đưa ra lời kêu gọi về một giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột hiện nay.
Về cải cách các thể chế đa phương, ông Yang chỉ ra nhu cầu cấp thiết về cải cách trong hệ thống tài chính quốc tế khi nhiều quốc gia đang vật lộn với khoản nợ khổng lồ. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil cũng kêu gọi cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, chỉ ra rằng các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thường chịu bất lợi. Ông Lula kêu gọi các nước đang phát triển có nhiều đại diện hơn tại các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng thống Biden cũng “ủng hộ việc cải cách và mở rộng thành viên Hội đồng Bảo an LHQ".
Về biến đổi môi trường, ông Yang nhấn mạnh những mối đe dọa trước mắt do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra, vốn đang tác động đến hệ sinh thái và sinh kế trên toàn thế giới. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi “một mặt trận thống nhất chống lại tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang nghiêm trọng". Tổng thống Brazil cảnh báo rằng “chúng ta sẽ phải chịu sự phụ thuộc lẫn nhau về biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh rằng các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả của những cam kết về khí hậu chưa được thực hiện.
Về phía mình, ông Biden ca ngợi những nỗ lực của chính quyền ông trong việc chống lại biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo trên thế giới và khai thác sức mạnh của công nghệ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), theo đài CNN.
Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững hơn cho mọi người dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh:
Thứ nhất, hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng, cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ ở tất cả các quốc gia, trước hết là các nước lớn.
Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bình đẳng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi con người trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển phù hợp với nhu cầu của mỗi quốc gia. Ưu tiên nguồn lực cho những “vùng trũng” trong triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Thứ ba, sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, thụ hưởng những thành tựu tích cực; đồng thời chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những hiểm hoạ đối với hòa bình, phát triển bền vững và nhân loại.
Thứ tư, có tư duy mới kiến tạo tương lai mang tính chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu. Trong đó, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là những công cụ quan trọng giúp các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển tăng cường sức chống chịu, năng lực tự cường nhằm kịp thời ứng phó, chủ động phòng ngừa trước các cú sốc, khủng hoảng và thảm họa trong tương lai.
Tập trung cải tổ các cơ chế đa phương, nhất là hệ thống LHQ và các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế đảm bảo tốt hơn tính đại diện, công bằng, minh bạch; tăng cường năng lực, hiệu quả, sự sẵn sàng cho tương lai và theo kịp một thế giới đang thay đổi.
Thứ năm, đặt con người ở vị trí trung tâm chủ thể để hiện thực hoá các tầm nhìn. Lấy người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách và hành động ở tất cả các cấp độ.