Tối 23-9 (tức sáng 24-9 giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Tương lai chính thức khép lại sau hai ngày làm việc, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị.
Kế hoạch cho thế kỷ 21
Ngay trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Tương lai hôm 22-9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua "Hiệp ước Tương lai” và mục lục gồm Thỏa thuận Kỹ thuật số Toàn cầu và Tuyên bố về Các thế hệ tương lai, một cách nhất trí và không cần bỏ phiếu.
Năm lĩnh vực trọng tâm của Hiệp ước bao gồm: phát triển bền vững; hòa bình và an ninh quốc tế; khoa học và công nghệ; thanh niên và các thế hệ tương lai; và chuyển đổi quản trị toàn cầu - một yếu tố quan trọng vì các tổ chức tài chính đa phương và thậm chí cả LHQ đều không tìm được giải pháp cho các vấn đề của thế kỷ 21, theo trang UN News.
Hiệp ước nêu ra 56 hành động, bao gồm các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương LHQ và gìn giữ hòa bình. Hiệp ước cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ, cùng với những nỗ lực mới nhằm chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ quân bị và định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo, theo hãng tin AFP.
“Chúng ta ở đây để đưa chủ nghĩa đa phương trở lại từ bờ vực thẳm. Tôi kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh [Tương lai] xem xét các cải cách sâu sắc để làm cho các thể chế toàn cầu trở nên hợp pháp, công bằng và hiệu quả hơn, dựa trên các giá trị của Hiến chương Liên Hợp Quốc” - theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Phát biểu khai mạc hội nghị hôm 22-9, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang nhấn mạnh tương lai của chúng ta "nằm trong tay chúng ta". Ông Yang cho hay thế giới đang đứng trước ngã ba đường, đối mặt với những thách thức đòi hỏi hành động tập thể, dù vậy "vẫn còn hy vọng... vì những thách thức đi kèm với cơ hội" và một tương lai tươi sáng hơn "đang trong tầm tay". Theo ông Yang, Hiệp ước Tương lai vừa được thông qua không chỉ giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn đặt nền tảng cho một trật tự mới hòa bình cho tất cả các quốc gia.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres mô tả Hiệp ước Tương lai là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, là "bước chuyển hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và kết nối hơn", theo hãng tin Reuters. "Hôm nay, chúng ta cam kết một khởi đầu mới trong chủ nghĩa đa phương. Các hành động trong Hiệp ước này nhằm mục đích đảm bảo rằng LHQ và các tổ chức đa phương quan trọng khác có thể mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh, cho phép chúng ta thực hiện các cam kết hiện tại trong khi vươn lên đối mặt những thách thức và cơ hội mới nổi” - ông Guterres nói thêm.
Các nhà lãnh đạo phát biểu gì?
Phát biểu tại hội trường Đại hội đồng LHQ, các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi cải tổ mạnh mẽ và toàn diện đối với các thể chế đa phương, tăng cường vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong các thể chế tài chính toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đánh giá cao Hiệp ước Tương lai đối với sự phát triển của thế giới.
Tổng thống Namibia - ông Nangolo Mbumba nhắc lại một câu tục ngữ châu Phi rằng ngày mai thuộc về những người lên kế hoạch ngày hôm nay. “Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là lời kêu gọi hành động kịp thời và cấp bách, thúc giục chúng ta lựa chọn con đường hòa bình và bền vững cho tất cả mọi người. Chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu rằng thế giới đang bị cuốn vào xung đột liên miên, biến đổi khí hậu và khủng hoảng y tế. "Chúng đang đảo ngược tăng trưởng kinh tế và thành quả phát triển ở nhiều nơi trên thế giới".
Chính vì vậy, ông Ramaphosa nhấn mạnh thế giới phải tạo ra sự đồng thuận ngay từ bây giờ để tiến về phía trước. Theo ông Ramaphosa, Hiệp ước Tương lai là một cơ hội tuyệt vời để thay đổi và tái tạo toàn bộ hệ thống đa phương, giúp hệ thống này phù hợp với mục đích. Quản trị toàn cầu và các tổ chức tài chính quốc tế, cùng với Hội đồng Bảo an LHQ, cần được cải cách khẩn cấp.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng nhiệm vụ chung của thế giới là tìm ra cách tốt nhất để giải quyết những thách thức chung và hội nghị thượng đỉnh này là "thời điểm đặc biệt để thúc đẩy tham vọng của chúng ta và Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn ủng hộ".
Đề cập Hiệp ước Tương lai, ông Michel mô tả đây là chất xúc tác mạnh mẽ để đẩy nhanh các mục tiêu, đạt được tiến bộ về quyền con người và là phương thức cải cách khẩn cấp cơ cấu tài chính quốc tế. Để làm được mục tiêu đó, điều cần thiết là phải làm cho cơ cấu đó hiệu quả và toàn diện hơn, để các nước đang phát triển không phải lựa chọn giữa việc chống đói nghèo hay chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh điều quan trọng là phải bảo vệ lợi ích của “các thế hệ hiện tại và tương lai”, trong đó trước hết, pháp quyền phải được duy trì theo Hiến chương LHQ và “không thể dung thứ cho việc thay đổi bằng vũ lực trên thế giới này”. Thứ hai, bảo vệ phẩm giá con người là tối quan trọng và không một quốc gia nào có thể giải quyết được đói nghèo, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác một mình. Thứ ba, đầu tư vào con người và an ninh, đặc biệt là thế hệ trẻ...