Hội nghị thượng đỉnh Tương lai: Giải pháp đa phương cho một ngày mai tươi sáng hơn

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là cơ hội để thế giới chung tay tìm ra các giải pháp thiết thực để xây dựng một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tâm điểm trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 79 kéo dài từ ngày 10 đến 30-9 là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai. Hội nghị này diễn ra trong hai ngày 22 và 23-9 với chủ đề "Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn".

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và có bài phát biểu tại sự kiện lịch sử này.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai.jpg
Hội trường Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tương lai. Ảnh: LIÊN HỢP QUỐC/X

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Theo Trung tâm chính sách cho miền Nam mới (có trụ sở ở Maroc), Liên Hợp Quốc có lịch sử lâu đời về các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn, mỗi sự kiện đều có mức độ thành công khác nhau. Từ Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất năm 1992 đến các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tiếp theo, Liên Hợp Quốc đã liên tục cố gắng thúc đẩy hành động quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai dựa trên những nỗ lực này. Mục tiêu hội nghị cũng rất rõ ràng là hiện đại hóa hệ thống đa phương để ứng phó với các mối đe dọa mới như biến đổi khí hậu và đại dịch, cũng như sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu kể từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945, theo Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (Đức).

Bên cạnh đó, một nhà ngoại giao cấp cao tham gia các cuộc đàm phán trước Hội nghị thượng đỉnh Tương lai nói rằng ưu tiên hàng đầu của hội nghị là bảo tồn hệ thống LHQ hiện nay và cố gắng xây dựng lòng tin giữa các thành viên, theo Viện nghiên cứu Chatham House (Anh). Bất chất nhiều ý kiến cho rằng LHQ hoạt động không như kỳ vọng do cùng lúc phải đối mặt loạt cuộc khủng hoảng và xung đột, nhưng tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này vẫn tăng cường hợp tác quốc tế. Minh chứng là các nhà ngoại giao đã hoàn tất Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về biển cả) vào năm ngoái.

Do đó, một kết thúc thành công cho Hội nghị thượng đỉnh Tương lai sẽ là một cơ hội nữa để chứng minh rằng chủ nghĩa đa phương vẫn có thể phát huy tác dụng. Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh là Hiệp ước cho Tương lai, đề cập đến hầu như mọi khía cạnh của hợp tác đa phương.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai được coi là thời điểm then chốt cho sự phát triển toàn cầu, với các mục tiêu bao gồm thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường an ninh y tế toàn cầu và đảm bảo tiếp cận công bằng với công nghệ. Hội nghị thượng đỉnh cũng hướng đến thúc đẩy hành động vì khí hậu, tăng cường giải quyết xung đột, duy trì luật pháp quốc tế, thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.

“Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, các quốc gia thành viên đã nhất trí rằng những thách thức của chúng ta có mối liên hệ với nhau, vượt qua biên giới và mọi chia rẽ khác. Những thách thức này chỉ có thể được giải quyết bằng một phản ứng có mối liên hệ chặt chẽ, thông qua sự tái sinh của chủ nghĩa đa phương và LHQ là trung tâm của những nỗ lực đó” - Tổng Thư ký LHQ António Guterres nói trong Báo cáo Chương trình nghị sự chung để giải thích ý tưởng đằng sau Hội nghị thượng đỉnh Tương lai.

Kỳ vọng gì ở hội nghị?

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vừa là cơ hội quan trọng vừa là thách thức to lớn đối với sự phát triển toàn cầu. Mặc dù chương trình nghị sự đầy tham vọng của hội nghị có tiềm năng thúc đẩy tiến bộ có ý nghĩa, nhưng bản thân hội nghị cũng phải đối mặt với những trở ngại đáng kể có thể cản trở thành công.

Bằng cách học hỏi từ những kinh nghiệm trong quá khứ, thúc đẩy hợp tác đa phương thực sự và đảm bảo các cam kết rõ ràng và có trách nhiệm, Hội nghị thượng đỉnh có thể nâng cao triển vọng phát triển.

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai.jpg
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai diễn ra từ ngày 22 đến 23-9 tại New York (Mỹ). Ảnh: LIÊN HỢP QUỐC/X

Theo tờ Hindustan Times, có nhiều lý do để tin rằng Hội nghị thượng đỉnh Tương lai thực sự có thể đánh dấu một bước ngoặt cho thế giới.

Đầu tiên, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh phản ánh sự công nhận giữa các quốc gia thành viên rằng tình trạng quản trị toàn cầu hiện tại là không bền vững. Không một quốc gia đơn lẻ nào, bất kể có hùng mạnh đến đâu, có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu, khủng bố, đại dịch và các mối đe dọa mạng một mình. Do đó, những thách thức của thế kỷ 21 có thể củng cố nhu cầu hợp tác toàn cầu.

Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai đóng vai trò quan trọng để giải quyết những thách thức toàn cầu một cách tập thể, nhưng quan trọng hơn, hội nghị có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho cải cách thực sự trong LHQ. Các cuộc thảo luận xung quanh việc mở rộng Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy rằng hội nghị thượng đỉnh có thể đặt nền tảng cho những thay đổi trong tương lai. Hội nghị thượng đỉnh này cũng có thể thúc đẩy cải cách trên các lĩnh vực khác của hệ thống LHQ chẳng hạn như phòng ngừa xung đột, quản trị số và các nỗ lực nhân đạo.

Tóm lại, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai đại diện cho cả khoảnh khắc của sự thật và cơ hội cho LHQ. Đáng chú ý, Hiệp ước cho Tương lai nêu ra các lĩnh vực quan trọng để cải cách và thiết lập bối cảnh cho các cuộc thảo luận trong tương lai.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Hội nghị thượng đỉnh Tương lai sẽ mang lại tư duy mới và phương thức hoạt động mới cho tương lai của thế giới

Trong bài phát biểu được ghi âm gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng Hội nghị thượng đỉnh lịch sử này sẽ mang lại tư duy mới và phương thức hoạt động mới cho tương lai của thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng cho rằng, đây là cơ hội để tái khẳng định các giá trị không thể thay thế của LHQ và chủ nghĩa đa phương trước những thách thức to lớn hiện nay, theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xác định, những chuyển đổi phải bắt đầu bằng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và LHQ phải đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để chia sẻ thông tin, hỗ trợ các quốc gia phát triển những công nghệ đột phá một cách an toàn, bảo mật.

Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề xuất về việc thành lập một nền tảng công nghệ xanh toàn cầu, nơi ASEAN và các tổ chức khu vực khác có thể chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy phát triển công nghệ xanh. Với những đóng góp tích cực của Việt Nam vào Hội nghị thượng đỉnh và những nỗ lực chung nhằm tăng cường hòa bình, hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm