Ngày 20-9 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77 chính thức bước vào tuần lễ cấp cao quan trọng kéo dài đến ngày 26-9 với nhiều nội dung quan trọng. Đây là phiên họp trực tiếp đầu tiên của cơ quan này sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi đoàn kết
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: Thế giới đang phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn với hàng loạt diễn biến chính trị - kinh tế tiêu cực nổ ra liên tục, theo hãng tin AP.
Quang cảnh phiên họp ngày 20-9 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: EPA |
Ông đề cập đến tình hình chiến sự Nga - Ukraine và các cuộc xung đột gia tăng trên khắp thế giới, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, tình hình tài chính báo động của nhiều nước đang phát triển và những trở ngại đối với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030, bao gồm nỗ lực chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và đảm bảo giáo dục chất lượng cho trẻ em toàn cầu.
Theo ông, hợp tác và đối thoại là con đường duy nhất tiến về phía trước và cũng là nguyên tắc cơ bản của LHQ kể từ khi tổ chức này được thành lập. “Chúng ta phải hành động như một khối thống nhất, một liên minh của thế giới, với tư cách là những quốc gia đoàn kết” - ông Guterres kêu gọi, cùng lúc đó cho chiếu một đoạn video về con tàu được LHQ ủy thác theo thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, chở ngũ cốc từ Ukraine đến vùng Sừng châu Phi - nơi hàng triệu người đang bên bờ vực của nạn đói.
“Sự phân hóa giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa bắc bán cầu và nam bán cầu, giữa những nước hưởng nhiều đặc quyền và phần còn lại ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Trước khi phiên họp đại hội đồng khai mạc, gần 150 nhà lãnh đạo và bộ trưởng đeo khẩu trang để tránh sự kiện siêu lây nhiễm COVID-19 đã chủ động di chuyển trong hội trường, trò chuyện cá nhân và theo nhóm. Đây được đánh giá là dấu hiệu cho thấy bất chấp tình trạng thế giới bị chia cắt, LHQ vẫn là diễn đàn hàng đầu của lãnh đạo thế giới.
Xung đột Nga - Ukraine được quan tâm sâu sắc
Do tính chất nghiêm trọng và ảnh hưởng lan rộng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhiều lãnh đạo đã chọn vấn đề này để mở màn phần trình bày của mình trước đại hội đồng trong phiên họp ngày 22-9. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đầu tiên phát biểu, kêu gọi các bên liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành bảo vệ dân thường, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như thiết lập các kênh liên lạc cần thiết. Ông cũng nhấn mạnh: Các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây nhắm vào Nga đang đi ngược lại luật pháp quốc tế, không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột, để đạt được giải pháp cho vấn đề Ukraine thì cần đối thoại, đàm phán.
Đồng quan điểm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nêu rõ: Thế giới cần cùng nhau tìm ra một giải pháp ngoại giao thiết thực, phù hợp cho cả hai bên trong cuộc khủng hoảng nói trên.
Ngoài những thông điệp kêu gọi biện pháp ngoại giao cho xung đột Nga - Ukraine, một số lãnh đạo khác có lập trường cứng rắn hơn. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto mong muốn cộng đồng quốc tế đoàn kết cùng nhau duy trì luật pháp và các nguyên tắc về quyền con người ở Ukraine. “Những tác động của cuộc chiến đó đang rất sâu rộng và nghiêm trọng. Chúng đang cộng dồn lại các vấn đề tồn tại từ trước mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt như mất an ninh năng lượng, lương thực và tài chính” - ông Niinisto nói thêm.
Không thể có hòa bình khi còn đói nghèo
Đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh thiếu nguồn cung cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều trong phát biểu của nhiều lãnh đạo thế giới trong ngày 21-9, đặc biệt là tại phiên họp bên lề.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng an ninh lương thực vẫn là vấn đề đặc biệt khẩn cấp dù Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại một hội nghị cấp cao hồi tháng 6 đã cam kết chi 5 tỉ USD cho mục tiêu này.
Theo nhà lãnh đạo Đức, xung đột Nga - Ukraine là một phần nguyên nhân và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng đa chiều toàn cầu. Những nước ở khu vực phía nam bán cầu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố nước này sẽ tài trợ chuyến tàu vận chuyển bột mì của Ukaine tới Somalia - quốc gia đang đối mặt với nạn đói.
Trong khi đó, dù chưa phát biểu song Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ dành nhiều chú ý cho tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết. Ông Biden dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ mới của Mỹ trong lĩnh vực lương thực.
Trong một báo cáo chung vào tháng 7, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) cho biết năm ngoái có 702-828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, chiếm 9,8% dân số thế giới. Con số này tăng 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019, cho thấy tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với dự trữ lương thực toàn cầu.•
Nhiều tiếng nói kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ có thêm phần phát biểu nói về các biện pháp cải tổ HĐBA, nếu điều kiện không cho phép sẽ trao đổi riêng với Tổng thư ký Antonio Guterres và các quan chức khác.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trước đại hội đồng cũng đã lên tiếng kêu gọi cải tổ HĐBA, đồng thời thúc giục thế giới tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông Kishida thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tận dụng Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về tương lai, dự kiến diễn ra vào năm 2024, để khởi động các cuộc thảo luận toàn diện về các đề xuất cải tổ. Theo ông, giờ là thời điểm quay lại với các ý tưởng và nguyên tắc trong hiến chương và “tập hợp sức mạnh và sự uyên bác của chúng ta để đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Theo hãng tin Reuters, Nhật từ lâu đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ sau khi cải tổ.
Tổng thống Pháp Macron, hiện giữ chức chủ tịch HĐBA, cũng muốn cải tổ cơ quan này để tăng tính đại diện hơn cho cộng đồng quốc tế: Một giải pháp được ông đưa ra là kết nạp thành viên thường trực mới, dù không nêu rõ nước nào sẽ được cân nhắc.