Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể sẽ bỏ phiếu lại trong tuần này về Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin Reuters ngày 21-3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần này về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, liên quan đến các vấn đề nhân đạo, thúc giục viện trợ và một lần nữa yêu cầu Moscow ngừng giao tranh và rút quân.

Đây sẽ là lần thứ hai Đại hội đồng gồm 193 thành viên này bỏ phiếu về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào ngày 24-2 nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Kiev.

Ukraine, Mỹ và các đồng minh đang tìm cách tăng số phiếu đồng thuận khi nghị quyết trước đó vào ngày 2-3, lên án "hành động gây hấn chống Ukraine" của Nga, đã nhận được 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống (bao gồm Nga, Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria) trong tổng số 193 nước thành viên, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%.

Một binh sĩ Ukraine có mặt tại một ngôi làng bị Nga phá hủy ở miền đông Kiev vào ngày 21-3. Ảnh: REUTERS

Dự thảo nghị quyết được Ukraine và các đồng minh đưa ra để có thể bỏ phiếu trong tuần này tập trung vào tình hình nhân đạo, yêu cầu bảo vệ dân thường, nhân viên y tế, nhân viên cứu trợ, nhà báo, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng dân sự khác ở nước này.

Trong suốt gần bốn tuần diễn ra cuộc giao tranh, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Moscow tấn công dân thường một cách bừa bãi, trong khi Nga bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định họ không nhắm mục tiêu vào thường dân.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết của Ukraine và các đồng minh cũng yêu cầu Nga chấm dứt việc bao vây các thành phố, đặc biệt là Mariupol.

Các nhà ngoại giao cho biết Nam Phi cũng đã đề xuất một văn bản dự thảo về tình hình nhân đạo của Ukraine, song không đề cập đến Nga.

Hiện chưa rõ Nam Phi có dự định bỏ phiếu hay không. Đại diện phái bộ Nam Phi tại LHQ chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về câu hỏi này.

Các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính chất ràng buộc, nhưng chúng có sức nặng chính trị. Cuộc bỏ phiếu ngày 2-3 cho thấy Nga đang bị cộng đồng quốc tế cô lập trước chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine.

Mặc dù Nga có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ (gồm 15 thành viên) do là một trong năm thành viên thường trực, song không một quốc gia nào có thể ngăn cản một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ.

Cuộc bỏ phiếu lần thứ hai của Đại hội đồng LHQ sẽ diễn ra sau khi Pháp và Mexico soạn thảo một nghị quyết tương tự tại Hội đồng Bảo an, nhưng không kêu gọi một cuộc bỏ phiếu vì họ biết rằng Nga sẽ dùng quyền phủ quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm