Đài Loan và vấn đề biển Đông

Ngày 12-6, Bộ Quốc phòng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố sẽ đưa tàu chiến trang bị tên lửa ra biển Đông.

Tăng cường trang bị vũ khí

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng lãnh thổ Đài Loan La Thiệu Hòa cho biết lý do triển khai tàu chiến vì lực lượng cảnh sát biển của Đài Loan đồn trú tại đảo Ba Bình ở Trường Sa (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) và quần đảo Đông Sa (Trung Quốc tuyên bố chủ quyền) quá ít, không đủ năng lực phản kháng nếu xảy ra xung đột.

Vì lý do đó, Đài Loan quyết định trang bị cho lực lượng cảnh sát biển tại đảo Ba Bình tàu chiến cấp Hải Âu, xe tăng M41A3… Tuy nhiên, người phát ngôn La Thiệu Hòa khẳng định việc đưa các khí tài nêu trên ra đảo Ba Bình và quần đảo Đông Sa sẽ hoàn toàn do lực lượng cảnh sát biển quyết định.

Hiện thời lực lượng cảnh sát biển của Đài Loan tại quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ như súng ngắn, súng trường, pháo 106 mm, lựu đạn… Lực lượng cảnh sát biển Đài Loan chiếm giữ tại đảo Ba Bình có khoảng 130 người. Đây là đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa (Đài Loan gọi là Nam Sa), có sân bay và nguồn nước ngọt.

Quyết định điều động quân đội ra trấn giữ tại đảo Ba Bình xuất phát từ nội bộ chính quyền Đài Loan chứ Bộ Quốc phòng cho rằng công tác điều động cần phải có kế hoạch tổng thể.

Đài Loan và vấn đề biển Đông ảnh 1

Tàu chiến trang bị tên lửa cấp Hải Âu của lãnh thổ Đài Loan. Ảnh: BAIKE.ZHIGE.NET

Đài Loan lo ngại bị đứng ngoài

Để biện minh cho hành động này, ông Lâm Úc Phương, Ủy viên Ủy ban lập pháp Đài Loan (Quốc dân đảng), nói: “Tình hình sắp tới sẽ càng xấu đi và xấu đến một mức nào đó, các bên buộc phải thương lượng để giải quyết. Khi đó các nước sẽ phải sử dụng lá bài để đàm phán, tức lực lượng quân sự”.

Theo ông, Đài Loan e ngại Trung Quốc đang tăng cường lực lượng quân đội và thái độ về vấn đề biển Đông cũng ngày càng cứng rắn.

Ủy viên Lâm Úc Phương cũng cho rằng hiện Philippines đã đưa vấn đề biển Đông lên LHQ và Đài Loan lo lắng nếu LHQ can dự đồng nghĩa với việc Đài Loan vốn không phải là nước thành viên LHQ có khả năng bị loại ra khỏi bàn đàm phán.

Trái với mưu tính của chính quyền Đài Loan, ngày 13-6, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân nhận định tình hình biển Đông sẽ không quá căng thẳng như nhiều nước dự đoán.

Ông phân tích, nửa cuối năm 2011, Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề nội chính trọng đại như kế hoạch năm năm lần thứ 12 (2011-2015). Các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang tranh đua với phái bảo thủ, do đó không thể tỏ ra nhu nhược trước vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ sẽ lấy Việt Nam và Philippines làm bình phong để can thiệp vào biển Đông.

Ông cho rằng dù Trung Quốc bắt đầu tiến hành khai thác dầu khí tại khu vực biển tranh chấp nhưng sắp tới sẽ chia miếng bánh cho các nước xung quanh nhằm giải quyết vấn đề biển Đông theo cách “đánh mà không phá” (xảy ra giao tranh nhưng không để chiến sự leo thang).

Âm mưu “đánh mà không phá” của Trung Quốc

Ông Lâm Trung Bân giải thích “đánh mà không phá” là phương châm ngoại giao được xác lập từ thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc đã thực hiện tốt phương châm này trong các vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và sự kiện tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu Nhật trong năm 2010 tại đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Ông nhận định Đài Loan đang trong giai đoạn bầu cử lãnh đạo, hơn nữa Mỹ-Trung-Đài có ảnh hưởng tới nhau nên Đài Loan sẽ càng gặp khó khăn khi can dự vào vấn đề biển Đông. Theo ông, Đài Loan phát triển nghiên cứu khoa học và cùng khai thác biển Đông với các nước xung quanh là hướng đi đúng đắn.

Sở nghiên cứu Âu-Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Trung ương Đài Loan cũng kiến nghị chính quyền Đài Loan nên thúc đẩy nghiên cứu điều tra khoa học hải dương, xây dựng trạm khí tượng tại biển Đông, tức phát huy thực lực khéo léo trong chiến lược biển Đông. Đồng thời, cần tìm cách tham dự vào các cuộc đối thoại của khu vực về vấn đề biển Đông.

Tàu chiến cấp Hải Âu do Đài Loan chế tạo. Thân tàu làm bằng hợp kim nhôm, trọng tải 47 tấn, dài khoảng 25 m, rộng 6 m, cao 7,3 m, tốc độ tối đa 36 hải lý/giờ. Tàu trang bị hai tên lửa đối hạm Hùng Phong 1 có tầm bắn 40 km. Hệ thống phóng tên lửa có thiết bị chỉ huy quang học được sử dụng để khai hỏa tên lửa trong trường hợp không sử dụng được radar. Trên tàu còn được trang bị hai súng máy 12,7 mm cùng bốn máy nhiễu sóng tên lửa do hai sĩ quan và sáu binh sĩ điều khiển.

Để tăng cường khả năng chiến đấu, từ năm nay quân đội lãnh thổ Đài Loan tiếp nhận nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng cảnh sát biển. Mỗi năm có bốn đợt huấn luyện, mỗi đợt 120, người kéo dài khoảng 13 tuần. Hiện Đài Loan đã hoàn thành xong vài khóa huấn luyện chiến đấu cho lực lượng cảnh sát biển, trong đó có một đợt kết hợp huấn luyện sĩ quan và cảnh sát viên. Số học viên của đợt huấn luyện này được định phái đến trấn giữ hai quần đảo Đông Sa và Trường Sa từ đầu năm nay.

______________________________________

50 tàu chiến cấp Hải Âu Đài Loan hiện đang sở hữu. Đài Loan không đặt tên gọi cho số tàu chiến này mà đánh số. Tàu được đánh đến con số mới nhất là 59, trừ đi bốn số kỵ dùng là 4, 22, 31 và 40, trừ tiếp hai số đầu là hai tàu chiến Hải Âu nguyên thủy.

HOÀNG HẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm