Đắk Lắk có 128.000 ha đất rừng bị lấn chiếm

(PLO)- Chỉ trong ba năm, Đắk Lắk có hơn 14.000 ha rừng bị suy giảm, 128.000 ha đất rừng bị lấn chiếm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-7, trao đổi với PLO, lãnh đạo HĐND tỉnh Đắk Lắk xác nhận Đoàn giám sát số 22 của HĐND tỉnh này vừa có báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 đến tháng 5-2024.

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh cho thấy chỉ trong ba năm qua, tỉnh này có đến hơn 14.000 ha rừng tự nhiên bị suy giảm.

bị lấn chiếm.jpg
Một cây gỗ có đường kính lớn trong diện tích rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị chặt phá. Ảnh: VŨ LONG

Tỉ lệ che phủ rừng giảm

Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, tình trạng người dân chặt phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại địa bàn các huyện Ea H’Leo, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Bông, Ea Kar,... Hiện tỉnh Đắk Lắk có gần 128.000 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn, chiếm; trong khi đó việc thu hồi diện tích đất gặp nhiều khó khăn.

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Đắk Lắk cho thấy việc quản lý các dự án nông lâm nghiệp giao rừng, cho thuê rừng còn nhiều hạn chế; dẫn đến tình trạng diện tích rừng bị suy giảm, đất bị xâm canh, lấn chiếm với số lượng lớn. Một số dự án đất quy hoạch trồng rừng, trồng cây cao su bị xâm canh, lấn chiếm trái phép chưa được thu hồi để thực hiện dự án.

Toàn tỉnh có 49 đơn vị chủ rừng với diện tích quản lý gần 100.000 ha chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Từ năm 2021 đến 2023, mỗi năm tỉnh Đắk Lắk trồng rừng hơn 3.500 ha, tăng 1.700 ha/năm so với chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, tỉ lệ che phủ rừng lại giảm so với chỉ tiêu kế hoạch. Diện tích rừng trồng chủ yếu là rừng trồng sau khai thác chiếm diện tích lớn; bình quân hàng năm từ 1.500 ha đến 2.000 ha. Diện tích rừng trồng mới ít, bình quân hàng năm chỉ 300- 500 ha.

Việc khoanh nuôi, tái sinh rừng, đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hỗ trợ trồng rừng sản xuất trong thời gian qua chưa được chú trọng, nguồn ngân sách địa phương bố trí còn rất hạn chế. Việc thực hiện các dự án cải tạo rừng nghèo còn chậm.

Vẫn theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh này đặt mục tiêu độ che phủ rừng 40-42%. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ này của tỉnh chỉ mới hơn 38%, do diện tích rừng tự nhiên liên tục suy giảm.

150 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng nghỉ việc

Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trên là do lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng mỏng; quản lý bảo vệ diện tích rừng lớn, địa bàn rộng nên khó khăn trong theo dõi, giám sát, quản lý bảo vệ. Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy trong 5 năm gần đây có 150 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc.

z5635453843948_318e2d692dee5c97521aec701758f290.jpg
Một cây gỗ bị đốn hạ trên diện tích rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar quản lý. Ảnh: VŨ LONG

Việc khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Số đối tượng chuyên phá rừng, đầu nậu buôn bán lâm sản trái phép chưa được phát hiện, triệt phá dứt điểm.

Công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật còn nhiều hạn chế, tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng một số nơi chưa ngăn chặn triệt để.

Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Tỉnh ủy xử lý dứt điểm các vụ vi phạm lấn, chiếm đất rừng, không để tồn đọng kéo dài; chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm pháp luật về rừng nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát, làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các chủ rừng đã để bị xâm canh, lấn chiếm đất rừng được giao quản lý.

Xây dựng phương án xử lý đối với gần 128.000 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm canh; đôn đốc chủ đầu tư các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hoàn thành việc trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định. Có các biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư các dự án chây ì, chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định…

HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản cụ thể hóa chính sách phát triển chế biến lâm sản; sửa đổi, bổ sung nghị định về kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo hướng tăng quyền hạn cho chủ rừng, kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ, lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Sửa đổi, bổ sung nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng tăng chế tài xử lý các hành vi lấn chiếm đất rừng để trồng cây công nghiệp, mua bán đất rừng trái phép.

3 năm xử lý 4.121 vụ liên quan phá rừng

Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến tháng 5-2024, lực lượng kiểm lâm tỉnh này phối hợp với các lực lượng ngành chức năng, chủ rừng phát hiện, lập hồ sơ xử lý 4.121 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật xảy ra 2.645 vụ với diện tích rừng bị thiệt hại 857 ha. Lực lượng chức năng đã xử lý 3.733 vụ, gồm xử lý hành chính 3.682 vụ, hình sự 51 vụ, tịch thu 1.305 m3 gỗ... Tổng các khoản thu, đã nộp ngân sách hơn 8,6 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm