Đắk Lắk giải thích việc “nắn” đường tránh chạy vào khu đông dân cư

(PLO)- Bộ GTVT đồng ý điều chỉnh quy hoạch di dời vị trí đầu đường tránh đến khu đông dân cư là để tạo điều kiện di dời trạm thu phí BOT.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (viết tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan này đã có báo cáo giải trình Kiểm toán Nhà nước khu vực XII liên quan đến điều chỉnh vị trí điểm đầu tại dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông (viết tắt là dự án đường tránh Đông) TP Buôn Ma Thuột.

Vị trí đường tránh đi vào khu dân cư hiện đang vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: VŨ LONG

Vị trí đường tránh đi vào khu dân cư hiện đang vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: VŨ LONG

Đi gần 1 km phải mua phí BOT là không khả thi

Theo hồ sơ, dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, do BQLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dự án khởi công hồi tháng 12-2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án có chiều dài toàn tuyến gần 40 km, điểm đầu tiếp nối với đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đã xây dựng xong và đi qua rừng cao su, không đi qua khu dân cư; điểm cuối tại xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột.

Bề rộng nền đường 12 m, mặt đường xe chạy 11 m; tốc độ thiết kế 80 km/h. Đây là công trình giao thông cấp II; có sáu nút giao.

Đoạn đối diện đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ là rừng cao su. Ảnh: VŨ LONG

Đoạn đối diện đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ là rừng cao su. Ảnh: VŨ LONG

Trước đó, tháng 10-2018, Bộ GTVT có văn bản đồng ý điều chỉnh điểm đầu dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột đến một ví trí khác, cách vị trí đã được quy hoạch gần 1 km. Với cách điều chỉnh trên, điểm đầu của đường tránh đã được “nắn” vào một khu đông dân cư thuộc xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk)

“Việc điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện cho trạm thu phí BOT Quang Đức trên quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Buôn Hồ di dời về đây” – một lãnh đạo BQLDA tỉnh Đắk Lắk giải thích.

Vị trí km 1758 là đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ. Ảnh: VŨ LONG

Vị trí km 1758 là đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ. Ảnh: VŨ LONG

Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể di chuyển được trạm thu phí này do không được Trung ương đồng ý. Bởi nếu đặt trạm ở khu vực này các phương tiện chỉ di chuyển gần 1 km trên phần đường làm bằng hợp đồng BOT, còn lại đều đi trên đường do nhà nước đầu tư. Điều khiến các doanh nghiệp vận tải, giới lái xe phản đối gay gắt, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự ở địa phương.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai sót, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành tại dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột. Cụ thể, ở vị trí đầu tuyến (điểm đầu dự án quốc lộ 14) không đi trùng hướng tuyến theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt, lệch gần 1 km.

Việc điều chỉnh hướng tuyến đã đi qua khu dân cư hiện hữu, có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và sẽ không tận dụng được các hạng mục đã đầu tư phân kỳ giai đoạn I cho dự án.

Đề nghị tiếp tục làm đường tránh ở khu đông dân cư

Theo lãnh đạo BQLDA tỉnh Đắk Lắk, sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những tồn tại, hạn chế ở dự án, chủ đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT về phương án, tính khả thi triển khai từng phương án.

Người dân phản đối "nắn" đường tránh vào khu dân cư nên đến nay dự án này chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ảnh: VŨ LONG

Người dân phản đối "nắn" đường tránh vào khu dân cư nên đến nay dự án này chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ảnh: VŨ LONG

Theo đó, phương án thứ nhất là làm theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu làm theo phương án này sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư khoảng 100 tỉ đồng và chủ đầu tư sẽ bàn giao lại hơn 2 km đã hoàn thành ở khu đông dân cư cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

Đó là chưa kể đến tổng mức đầu tư dự án đã phát sinh tới gần 332 tỉ đồng. Do đó, nếu sử dụng phương án trên sẽ rất khó khăn cho việc thực hiện do nguồn vốn còn hạn chế.

Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ GTVT cho thực hiện phương án thứ hai, đó là tiếp tục làm tại vị trí gần nút giao đầu tuyến ở khu đông dân.

Phía trước đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ là rừng cao su, là điểm nối đầu của dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Phía trước đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ là rừng cao su, là điểm nối đầu của dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Thực tế, ở khu vực này dù có một số hộ gia đình xen kẽ nhưng đã bàn giao mặt bằng thi công. Ngoài ra, đã điều chỉnh giảm quy mô phạm vi nút giao với quốc lộ 14 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT (giảm hơn 43 tỉ đồng chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng); đồng thời đã và đang thi công hơn 2 km đường.

“Đối với đoạn đầu tuyến của dự án theo quy hoạch, sau khi Chính phủ có phương án xử lý trạm thu phí BOT Quang Đức ở thị xã Buôn Hồ, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ GTVT xem xét, đầu tư xây dựng để từng bước hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch” – văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk nêu.

Đề nghị không giao dự án tiếp theo nếu để chậm trễ

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm, quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường bám sát, nắm bắt thực tiễn để phối hợp chặt chẽ với các cấp tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc bàn giao toàn bộ mặt bằng cho triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đắk Lắk tự cân đối ngân sách đối với chi phí phát sinh gần 332 tỉ đồng. Trường hợp trong thời gian tới dự án vẫn tiếp tục chậm trễ, không thể hoàn thành đúng thời gian đề ra, Bộ GTVT đề nghị bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, có thể chế tài đặc biệt đối với người đứng đầu BQLDA tỉnh; không giao cho đơn vị này làm chủ đầu tư đối với các dự án tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm