Đắk Lắk: Phê bình nhiều cán bộ để suy giảm hơn 27.400 ha rừng tự nhiên

(PLO)- Nhiều cán bộ ở Đắk Lắk bị phê bình, kiểm điểm trách nhiệm vì để suy giảm hơn 27.400 ha rừng tự nhiên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-3, nguồn tin của PLO cho biết Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, các cá nhân tại các đơn vị thuộc sở này có liên quan đến sai phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

rừng tự nhiên.png
Vụ hủy hoại rừng ở địa bàn xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp hồi tháng 4-2022. Ảnh: CH

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tổ chức rà soát, kiểm điểm đối với bảy đơn vị chủ rừng, 10 tập thể, 90 cá nhân thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk.

Liên quan đến việc để diện tích rừng tự nhiên suy giảm còn trách nhiệm của các sở Kế hoạch- Đầu tư, Tài chính, TN&MT, UBND các huyện, các đơn vị chủ rừng không trực thuộc Sở NN&PTNT.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hơn 27.400 ha rừng tự nhiên bị suy giảm có nhiều nguyên nhân. Đó là việc chuyển mục đích sử dụng rừng, cháy rừng, phá rừng trái quy định pháp luật, rừng tự nhiên chuyển sang rừng trồng, đất chưa có rừng; rừng nghèo kiệt giảm trữ lượng rừng không còn đủ tiêu chí là rừng...

Về bản chất, diện tích rừng này đã bị phá, lấn chiếm, tác động rải rác qua thời gian dài làm giảm dần trữ lượng rừng, không đủ tiêu chí thành rừng.

Trong khi đó, chủ rừng không thực hiện đúng trách nhiệm, quản lý rừng, theo dõi, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi có biến động về rừng được giao theo quy định của pháp luật.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2017 đến năm 2020, có đến 27.400 ha rừng tự nhiên ở Đắk Lắk bị suy giảm.

Về diện tích tự nhiên mà các công ty, đơn vị giao về địa phương quản lý: các huyện, thị xã, TP báo cáo chủ yếu tồn tại trên sổ sách; còn thực tế phần lớn đất rừng tự nhiên không có rừng trên thực địa.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn rất nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chính là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng.

Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan do chủ rừng một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm